1. Hy vọng mong manh về hòa bình ở miền Đông Ukraine đã tan vỡ hoàn toàn khi các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Ukraine (U-crai-na) và lực lượng ly khai cố giành quyền kiểm soát sân bay Donetsk (Đô-nhết-xcơ) trong suốt mấy ngày qua, khi Quân đội Chính phủ Ukrainae mở một chiến dịch quy mô lớn vào ngày 19-1, nhằm chiếm lại những vùng đất đang nằm trong tay lực lượng ly khai.
Nga và Ukraine, hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình hình chiến sự leo thang ở Donetsk. Ông Andrei Kozlov (An-đơ-rây Cô-dơ-lốp) – Đại diện của Nga tại Trung tâm Kiểm soát ngừng bắn nói: “Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc pháo kích vào khu dân cư ở thành phố Donetsk. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng máy bay ném bom”. Trong khi đó, Đại diện của Ukraine tại Trung tâm – ông Pyotr Kanonik lại nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc để ngừng chiến sự. Nhưng rất tiếc, điều này đã không thể thực hiện, tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCF) bày tỏ quan ngại, chiến sự có nguy cơ lan rộng từ sân bay Donetsk ra nhiều khu vực khác trong thành phố. Một diễn biến liên quan, sau 3 giờ đàm phán căng thẳng tại Berlin (Đức) giữa ngoại trưởng 4 nước gồm Đức, Pháp, Ukraine và Nga, đêm 22-1, Ukraine và Nga đã nhất trí rút các thiết bị hạng nặng ra khỏi khu vực đường ranh giới phân định theo thỏa thuận Minsk hồi tháng 9-2014. Ngoại trưởng Đức cho biết, các bên đã đạt được những “tiến bộ đáng kể”, song điều này chưa có nghĩa sẽ đem lại “bước đột phá” cho vấn đề Đông Ukraine.
2. Giới chức an ninh Châu Âu thừa nhận đang phải đối phó với mối đe dọa luôn biến đổi và ngày càng phức tạp từ các phần tử thánh chiến cực đoan, bao gồm các tổ chức bí mật và các tay súng từ Trung Đông trở về “lục địa già”, mà bằng chứng là những cuộc tấn công đẫm máu từ Thủ đô Paris của Pháp trong những ngày qua.
Người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol), Rob Wainwright thừa nhận Châu Âu đang đối mặt các mối đe dọa nguy hiểm, phức tạp của các phần tử thánh chiến cực đoan, gồm các tổ chức bí mật và các tay súng từ Trung Đông trở về. Lãnh đạo Europol cho rằng, bối cảnh an ninh hiện nay khó dự đoán và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Thông tin liên quan, Bộ Trưởng Tư pháp Đức cho biết, các cơ quan An ninh Đức đang theo dõi khoảng 350 đối tượng nghi có liên hệ với tổ chức mạng lưới Hồi giáo tự xưng (IS). Khoảng 1.000 đối tượng ở Đức tình nghi liên quan các tổ chức khủng bố nằm trong tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cơ quan an ninh Italia cũng theo dõi hàng trăm đối tượng tình nghi liên hệ các nhóm khủng bố cực đoan.
Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi thành lập một liên minh chống khủng bố với các nước A-rập để tăng cường các hoạt động hợp tác và chia sẻ thông tin sau khi xảy ra cuộc tấn công đẫm máu ở Pháp và hàng loạt vụ bắt giữ nghi can khủng bố trên khắp Châu Âu.
3. Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 45 diễn ra từ ngày 21 đến 24-1 tại Davos (Thụy Sĩ) trong bối cảnh các nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn 40 nhà lãnh đạo, cùng 2.500 đại biểu đến từ hơn 140 quốc gia và khu vực tham gia. Với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới” với khoảng 280 phiên họp chính thức để thảo luận 4 vấn đề chính: Tăng trưởng và ổn định, Khủng hoảng và hợp tác, An sinh và xã hội, Đổi mới và công nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới thảo luận về bất ổn chính trị tác động thế nào tới tăng trưởng kinh tế và làm thế nào để khôi phục niềm tin trong bối cảnh mới của thế giới. Các nguy cơ chính trị cũng được đem ra phân tích, từ cuộc xung đột ở Ukraine, tới làn sóng khủng bố do lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành tại Châu Âu...
P.V