Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số

(NTO) Tỉnh ta có 34 dân tộc thiểu số (DTTS) với dân số 32.844 hộ (151.040 khẩu), chiếm tỷ lệ 23,17%, chủ yếu là đồng bào Chăm, Raglai sống tập trung ở 124 thôn, thuộc 37 xã vùng dân tộc và miền núi.

Đồng chí Trượng Ngọc Anh
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Do sống đan xen, giao lưu kinh tế, văn hóa ngày càng mở rộng, giữa đồng bào các DTTS đã hòa nhập, hình thành một đại gia đình các dân tộc Việt Nam thu nhỏ của tỉnh nhà. Trong 5 năm qua, thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện các chính sách dân tộc, nhìn chung hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Đến nay cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS đều có đường giao thông đi lại thuận tiện và có hệ thống phát thanh, truyền hình được phủ sóng. 100% xã có trạm y tế, trường trung học cơ sở; 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động, có trường học hoặc điểm học mẫu giáo và tiểu học, điện lưới quốc gia và có 90% số hộ sử dụng điện thắp sáng; 60% xã có công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác đào tạo, tuyển dụng, chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc được chú trọng. Các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, các công trình di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS. Tình hình an ninh trật tự bảo đảm; niềm tin của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được giữ vững.

 
Học sinh tiểu học vùng đồng bào Chăm được học chữ Chăm với thời lượng 2-3 tiết/tuần.

Công tác giáo dục&đào tạo được quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao chất lượng học tập và duy trì học sinh đến lớp. Các chính sách ưu đãi cho giáo viên, chế độ hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ học tập cho học sinh con em DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... được triển khai đầy đủ, kịp thời. Chính sách cử tuyển cho con em DTTS đi đào tạo được duy trì thường xuyên. Hằng năm đều thực hiện tốt các chính sách y tế, nhất là việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách. Các chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội được triển khai tương đối hiệu quả; hằng năm giải quyết việc làm mới cho trên 4.200 lao động là đồng bào DTTS. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đã hỗ trợ xây dựng trên 3.000 ngôi nhà cho người nghèo, hộ chính sách DTTS, góp phần xóa bỏ tình trạng nhà tạm trên địa bàn.

Từ bài học kinh nghiệm 5 năm qua, nhằm khắc phục mặt tồn tại và phát huy kết quả đạt được, trong phương hướng thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu đưa kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, sớm thoát tình trạng kém phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 2 – 3 lần so với hiện nay, hằng năm giảm 3 - 4% hộ nghèo DTTS, riêng Bác Ái giảm 4 - 5%. Với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc trong tỉnh thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh”, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên đường giao thông, thủy lợi nhỏ và vừa để phục vụ phát triển sản xuất. Về văn hoá-xã hội, chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển giáo dục. Tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề, trong đó chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc Raglai. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ, ở các trạm y tế xã. Tăng cường công tác sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hệ thống giao thông được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân huyện Bác Ái.
Ảnh: Sơn Ngọc

Về giải pháp, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào DTTS hiểu và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, các chính sách dân tộc và pháp luật của Nhà nước, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng, chăm lo, đãi ngộ đối với cán bộ DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc, các vị chức sắc tiêu biểu, người có uy tín. Vận động đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.