Ngược dòng lịch sử, các triều đại chế độ phong kiến Việt Nam luôn trân trọng và giương cao ngọn cờ hòa bình. Bình Ngô đại cáo là bài cáo được Nguyễn Trãi viết vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Tư tưởng nhân nghĩa, lấy hòa bình làm đại cuộc bao trùm toàn bài cáo. Sẽ là rất hạn hữu, trong một cuộc đối kháng với giặc ngoại xâm, kẻ xâm lược được quốc gia kháng chiến vì chính nghĩa “cấp cho năm trăm chiếc thuyền, phát cho vài nghìn cỗ ngựa” để “ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc”, “về đến nước mà vẫn tim đập chân run”:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
…
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạọ
…
Tướng giặc bị cầm tù,
Như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại,
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, tư tưởng hòa bình - đặt trong mối quan hệ không thể tách rời của độc lập, tự do, thống nhất - luôn được đặt ở một vị trí tối thượng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Lời nói đầu của bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại. Đến Hiến pháp năm 1959, điều này được khẳng định lại rằng: “Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, dương cao ngọn cờ hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, kiên quyết tiến lên giành lấy thắng lợi cuối cùng. Sự nghiệp hoà bình, thống nhất Tổ quốc nhất định sẽ thành công… Nhân dân ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hoà bình ở Đông Nam châu á và thế giới”.
Hiến pháp năm 1980 – Hiến pháp của thời kỳ đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, Điều 2 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định một trong những sứ mệnh lịch sử của Nhà nước ta đó là góp phần củng cố hoà bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Để khẳng định cho tinh thần yêu chuộng hòa bình và trách nhiệm của Việt Nam trước những nguy cơ từ chiến tranh, nội chiến trên thế giới, những năm 1978-1979, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ quân đội, nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn ác nhất trong lịch sử dân tộc. Đến nay, tình cảm biết ơn sâu sắc, “khắc cốt ghi tâm” của người dân Campuchia vẫn còn mãi đối với quân tình nguyện Việt Nam. Như Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdec Heng Samrin đã khẳng định: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan và khẩn cầu các nước đến cứu giúp”. Chính quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên một sự hồi sinh diệu kỳ cho toàn dân tộc Campuchia. Nhiều nhà phân tích thế giới đã gọi đây là sự hồi sinh vĩ đại, kết quả của sự hy sinh cao cả mà không một dân tộc nào có thể làm một cách vô tư, không tính toán đối với dân tộc khác như Việt Nam đối với Campuchia. Sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư và chưa có tiền lệ trong quan hệ quốc tế đó của dân tộc Việt Nam chính là lời tuyên bố hùng hồn của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về tinh thần đấu tranh cho hòa bình, không chỉ hòa bình cho dân tộc Việt Nam, mà còn là hòa bình cho các dân tộc trên toàn thế giới.
Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tại Điều 14 đã tuyên bố với cả thế giới rằng: Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng; tích cực ủng hộ và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Để khẳng định lại ngọn cờ chính nghĩa của cả dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, Điều 12 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Hiện nay, quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc có những căng thẳng nhất định liên quan đến vấn đề Biển Đông. Vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014 và biện pháp đối ngoại phù hợp của Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc một lần nữa cho thấy chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam, đặt trong mối quan hệ mật thiết với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc, là tư tưởng xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự ủng hộ của cộng động quốc tế trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho thắng lợi của tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển đã thành xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ chính là tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam về hòa bình, hữu nghị và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Duy Minh