Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã giải trình 12 vấn đề liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với đặc thù của ngành hàng không thì cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn mang tính đặc thù của Nhà chức trách hàng không trong Luật. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác với tính chất là của Cơ quan thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không quy định trong Luật mà để Chính phủ quy định.
Hoạt động hàng không dân dụng có đặc thù là vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia vừa phải chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế. Theo Công ước Chicago và hướng dẫn của ICAO thì các quốc gia phải có “tổ chức thanh tra độc lập trực thuộc Nhà chức trách hàng không, thực hiện thanh tra về hàng không dân dụng”. Việc quy định về tổ chức thanh tra hàng không độc lập trong Luật là nội luật hóa yêu cầu của điều ước quốc tế về vấn đề này.
Mục đích của việc Nhà nước định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa một mặt tránh việc các doanh nghiệp hàng không nâng giá dịch vụ tùy tiện, bất hợp lý, khó kiểm soát, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm như mùa du lịch, dịp nghỉ Lễ, nghỉ Tết. Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp hàng không, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá. Thực tế hiện nay, khung giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định vẫn bảo đảm để các doanh nghiệp hàng không nội địa quy định các mức giá cạnh tranh khác nhau cho từng phân khúc thị trường.
Sân bay chuyên dùng được xây dựng xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của tổ chức, cá nhân phục vụ cho mục đích riêng như bệnh viện, du lịch, giàn khoan, cứu nạn, cứu hộ.... Ngoài ra, sân bay chuyên dùng có thể có đường băng, sân đỗ hoặc đơn giản chỉ là bãi đáp tạm thời cho tàu bay. Việc đóng mở sân bay chuyên dùng thay đổi thường xuyên. Vì vậy, không thể xây dựng quy hoạch chung cho hệ thống sân bay chuyên dùng được.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình những vấn đề liên quan đến việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay; quản lý Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; quản lý chướng ngại vật; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; v.v...
Thảo luận về dự thảo Luật, bên cạnh việc đồng tình với các quy định trong dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội còn đề nghị chỉnh sửa một số điều khoản quan trọng mà thực tiễn đang đặt ra khi xây dựng luật.
Đồng tình với quy định “Nhà chức trách hàng không” trong dự thảo Luật, nhưng các đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) và Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cần quy định rõ “Nhà chức trách hàng không” là Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để phân định rõ chức năng của các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Bức xúc với tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị dự thảo Luật đưa thêm điều luật để bảo đảm quyền lợi của hành khách và chế tài xử lý đối với các hãng hàng không vi phạm. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy, dù Bộ luật Dân sự đã có quy định về bồi thường thiệt hại, nhưng rất hiếm khi hành khách được bồi thường khi các hãng hàng không vi phạm.
Vấn đề hàng không giá rẻ được đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chi Minh) nêu ra và mong muốn Quốc hội xem xét khi hoàn chỉnh dự thảo Luật. Sau khi phân tích việc không ít nước phát triển vẫn duy trì hàng không giá rẻ, Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cho phép ngành hàng không sử dụng những nhà ga cũ (chi phí mặt đất) để phát triển hàng không giá rẻ.
Ngoài ra, vấn đề về giá dịch vụ hàng không, chức năng cảng vụ hàng không, kiểm soát an ninh hàng không ...cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận để dự thảo Luật hoàn thiện hơn./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam