Có 2 loại ý kiến về độ tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình việc cấp thẻ Căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp Giấy khai sinh; Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân đủ 14 tuổi trở lên. Vấn đề này được các đại biểu bàn luận khá quyết liệt khi đưa ra lập luận bảo vệ chính kiến của mình.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) không đồng tình cấp thẻ Căn cước dưới 14 tuổi vì điều dễ nhận thấy việc quản lý thẻ chắc chắn không phải là các em mà sẽ do bố mẹ cất giữ, thẻ này cũng không thể đi giao dịch các hợp đồng kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em, nhưng nên tích hợp với cơ sở dữ liệu căn cước công dân để khi đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) và nhiều đại biểu khác nữa cho rằng không nên cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi vì các lý do người dưới 14 tuổi chủ yếu là đi học, rất ít em đi lao động hợp đồng. Những giấy tờ liên quan đến độ tuổi này chủ yếu là Giấy khai sinh. Có cần thiết phải bỏ ra 650 tỷ đồng để cấp thẻ Căn cước công dân cho khoảng 20 triệu cháu chủ yếu chỉ để cất giữ?
Tuy vậy, các đại biểu cho rằng vẫn nên xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cấp mã số định danh cá nhân từ khi mới sinh bên cạnh Giấy khai sinh, và đến khi đủ 14 tuổi sẽ bổ sung thêm định dạng cá nhân như dấu vân tay và cấp thẻ Căn cước công dân với mã số định danh đã có sẵn.
Một số ý kiến khác tán thành phương án cấp thẻ Căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp Giấy khai sinh. Theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) mọi công dân có quốc tịch Việt Nam đều được cấp thẻ Căn cước công dân để thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Mặt khác, quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho việc sử dụng giấy khai sinh góp phần giảm các thủ tục hành chính yêu cầu công dân phải mang Giấy khai sinh hoặc nộp bản sao Giấy khai sinh.
Về tên của thẻ, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị không nên đổi thành thẻ Căn cước công dân, mà vẫn giữ nguyên tên gọi Chứng minh thư nhân dân. Đại biểu Thanh Thụy lập luận bởi vì tên gọi của Chứng minh thư nhân dân đã “ăn sâu” vào người dân và trở nên quen thuộc, hơn nữa sẽ thay đổi rất nhiều trong các văn bản quy định pháp luật có liên quan đến các giấy tờ biểu mẫu hành chính đều giao dịch dưới tên Chứng minh thư, nếu thay đổi sẽ gây lãng phí không cần thiết.
Một số đại biểu cho rằng, tên gọi thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân là cấp cho công dân Việt Nam từ khi công dân sinh ra cho đến khi chết, khác với việc cấp chứng minh nhân dân hiện nay chỉ cấp cho công dân từ 15 tuổi trở lên. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử dụng tên gọi Căn cước công dân. Quy định về thẻ Căn cước công dân gắn với số định danh cá nhân được in trên thẻ và có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa như dự thảo Luật cũng phù hợp với mục tiêu tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử và xây dựng Chính phủ điện tử đã xác định trong Đề án 896.
Cũng còn nhiều ý kiến khác nhau tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, một bên đồng tình tên gọi Luật do Chính phủ trình là “Luật căn cước công dân”, một bên đề nghị cần xem xét lại tên gọi của luật là “Luật chứng minh thư nhân dân” hoặc “Luật căn cước”.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị làm rõ tính khả thi của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, xác định những thông tin về công dân thật cần thiết và ổn định trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ý kiến khác đề nghị bổ sung một số thông tin khác như lý lịch tư pháp, thẻ bảo hiểm, mã số thuế… để bảo đảm yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu giảm giấy tờ công dân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam