BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Thôn Đá Mài Trên nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo

(NTO) Cũng như 4 thôn khác trên địa bàn xã Phước Kháng (Thuận Bắc), thôn Đá Mài Trên thuộc diện khó khăn. Toàn thôn có 145 hộ, trong đó có 40 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo. Những năm qua, tranh thủ nguồn vốn các chương trình, dự án, địa phương hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đáng kể là việc thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Theo Ban Phát triển xã, toàn thôn có diện tích đất nông nghiệp khoảng 60 ha; trong đó, đất lúa 10 ha, còn lại đất rẫy trồng bắp, đậu và các loại cây ăn trái. Để nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, thời gian qua, huyện Thuận Bắc đã triển khai mô hình canh tác trên đồi dốc, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao… chỉ mới giải quyết được khâu lương thực. Vì vậy, muốn xóa nghèo bền vững chỉ có thể tập trung phát triển chăn nuôi gia súc.

Lợi thế phát triển chăn nuôi ở thôn Đá Mài Trên là tận dụng được diện tích đồi núi làm nơi chăn thả. Tuy nhiên, do tập quán thả quảng canh, bò tự do giao phối, nên dần bị thoái hóa giống, chất lượng thấp. Nông dân trong thôn không khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên để phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn, hình thành các trang trại tập trung. Tổng đàn gia súc toàn thôn khoảng 800 con, trong đó đàn bò 290 con, số còn lại là dê, cừu. Anh Ka-tơ Ngung, Trưởng Ban quản lý thôn, cho biết: Do cuộc sống khó khăn, nên bà con không có điều kiện đầu tư tăng đàn. Đa phần các hộ chỉ có từ 1 đến 2 con bò.

Nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, năm 2013, từ hướng dẫn của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, thôn thành lâp 2 nhóm đồng sở thích nuôi bò; đồng thời triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo. Theo đó, 6 hộ nghèo ở thôn được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò, trị giá gần 10 triệu đồng. Trước khi nhận bò, hộ nuôi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc. Anh Chamaléa Phát cho biết, từ khi thực hiện mô hình, anh đã tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lá bắp… làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, hằng ngày lên rẫy cắt thêm cỏ cho bò ăn. So sánh với bò cùng lứa nuôi quảng canh, thì bò vỗ béo tăng trọng gấp đôi. Điều đáng mừng là mô hình đang dần được nhân rộng. Anh Chamaléa Dưa, hộ chăn nuôi giỏi ở thôn, có 7 con bò, chia sẻ: Thấy các hộ nuôi bò vỗ béo có hiệu quả, tôi học hỏi làm theo, bằng cách tách đàn những con bò ốm yếu chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng riêng. Kết quả, chỉ sau bốn tháng bò mập mạp, bán được giá cao.

Đồng chí Ka-tơ Đượng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kháng cho biết: Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, việc thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo là hướng đi mới trong chăn nuôi ở địa phương. Xã đang vận động bà con trồng cỏ để nhân mô hình ra diện rộng, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo tại địa phương.