Theo thông tin mới nhất từ Cục Kiểm ngư Việt Nam, Trung Quốc duy trì khoảng 110-115 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 46-47 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 14-15 tàu kéo, 30 tàu cá và 5 tàu quân sự tại khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.
Các tàu Kiểm ngư của Việt Nam thực các đợt tiếp cận cách giàn khoan 10-11,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tàu bảo vệ gần giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.
Khi các tàu Việt Nam tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc độ, áp sát, ngăn cản và hú còi, không cho các tàu Việt Nam vào gần giàn khoan nhưng các tàu của Việt Nam vẫn chủ động tiến gần giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ.
Tàu cá Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở Tây Tây Nam, cách giàn khoan 42-46 hải lý. Khoảng 30 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam.
Liên quan vụ việc tàu cá Quảng Ngãi QNg 94912 TS cùng 6 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ ngày 3/7 vừa qua, ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị phía Trung Quốc thông báo chính thức cho phía Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá cùng 6 ngư dân Việt Nam.
Trước đó, ngày 5/7/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc xác minh thông tin và có các biện pháp bảo hộ đối với những ngư dân này.
Nguồn vov.vn