Đó là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Dmitry Valentinovich Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các nước Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương, thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Đài Truyền hình Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, những bằng chứng nào chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?
- GS.TS.Dmitry Valentinovich Mosyakov: Vua Gia Long đã khảo sát Hoàng Sa từ năm 1816. Vua Minh Mạng đã cho xây một miếu thờ và dựng bia đá đánh dấu lãnh thổ của Vương quốc An Nam vào năm 1835. Năm 1847 trở đi, các đội hùng binh thường xuyên được cử tới Hoàng Sa. Công việc của các đội hùng binh này được nhắc tới trong nhiều văn bản cổ.
Dựa vào các tài liệu lịch sử này ta có thể thấy, vào thế kỷ XIX, đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam đã có mặt ở các quần đảo này mà không hề có tranh chấp. Việt Nam đã đưa người đi khảo sát, sinh sống, đánh bắt cá tại những khu vực này mà không hề bị bất cứ nước nào phản đối, tranh chấp. Điều này chứng tỏ các nước lân cận công nhận: hai quần đảo không thuộc chủ quyền của mình mà là chủ quyền của Việt Nam.
Tôi còn có thể chỉ ra nhiều bằng chứng khác. Ví dụ: năm 1899, tàu Bellona của Đức và tàu Imedzhi Maru của Nhật chở kiện hàng bằng đồng của Anh bị đắm tại vùng biển Hoàng Sa, sau đó ngư dân Trung Quốc đã lấy những kiện hàng bằng đồng này và phái viên Anh tại Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền nhà Thanh bồi thường tổn thất. Đáp lại, chính quyền Trung Quốc nói rằng họ không có trách nhiệm với kiện hàng bị mất vì quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Chính chính quyền của họ đã khẳng định không có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa.
Phóng viên: Thưa ông, đã bao giờ Trung Quốc công nhận chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa chưa?
- GS.TS.Dmitry Valentinovich Mosyakov: Suốt trong các thời kỳ vua Minh Mạng, Gia Long, Trung Quốc đã công nhận chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thế kỷ XIX, không hề có quốc gia nào không công nhận chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này. Ta có thể dò tìm trong mọi sách lịch sử Trung Hoa đều không thấy có bất kỳ hành động phản đối chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo ấy. Thậm chí, năm 1984, Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ “Hoàng Triều nhất thống dư địa tông đồ” trên đó thể hiện lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam, với lời chú thích: Điểm cực nam của đất nước là mũi Thanh, tức Châu, phủ Quảng Châu, Quảng Đông, vĩ độ 18 độ 13 phút Bắc chứ không hề có Hoàng Sa và Trường Sa.
Phóng viên: Nếu có ý kiến cho rằng tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã diễn ra từ lâu thì liệu có chính xác?
- GS.TS.Dmitry Valentinovich Mosyakov: Không! Tranh chấp chỉ bắt đầu vào cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1959, Trung Quốc bắt đầu muốn xâm chiếm đảo trong quần đảo Hoàng Sa, lần đó họ đã thua cuộc. Năm 1974, Trung Quốc đưa quân đội hùng hậu ra chiếm các đảo thuộc Hoàng Sa. Kể từ đó đến nay, tranh chấp ngày một leo thang. Không chỉ là tranh chấp với Việt Nam mà Trung Quốc còn gây hấn với cả Phillippines và những nước khác bởi dã tâm của Trung Quốc là chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và vẽ nên một cái gọi là đường lưỡi bò.
T.S