Dùng sức mạnh áp đặt sẽ tạo thách thức cho chính mình

Trung Quốc phát hành bản đồ “đường 10 đoạn” nuốt gọn gần hết Biển Đông, đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào khu vực, sử dụng hàng trăm tàu trấn áp tàu Việt Nam, nhằm mục đích gì?

Theo tờ Washington Post số ra ngày 27-6, việc Bắc Kinh tuần qua phát hành tấm bản đồ mới 10 đoạn đứt khúc, thay vì 9 đoạn như trước đây là một bước đi khẳng định yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ trước tới nay.

Còn Đài RFI nhận định, ngoài mục đích bình thường hóa những hoạt động để xác nhận chủ quyền, Bắc Kinh còn có ý đồ sâu sa hơn là thách đố Mỹ để xem Mỹ có chứng minh lời nói đi cùng chiều với việc làm hay không. Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ Mỹ gặp vấn đề tại châu Âu và Trung Đông, cũng như Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) gặp khó khăn tại Quốc hội để “ra tay trước theo một chiến lược đã có từ 60 năm qua”.

Trung Quốc thường xuyên duy trì nhiều tàu quanh giàn khoan Hải Dương 981.
Ảnh: Mạnh Thắng

Trong khi đó, dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam và lên án hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại buổi tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu, Phó chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha An-tô-ni-ô Phi-líp (Antonio Filipe) nói rằng, thời gian qua, cá nhân ông trên cương vị phụ trách Nhóm Nghị sĩ Đảng Cộng sản trong Quốc hội Bồ Đào Nha cũng như các đồng chí của ông đều theo dõi sát tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực. Ông An-tô-ni-ô Phi-líp khẳng định, sẽ vận động, tuyên truyền cho các đảng trong Quốc hội Bồ Đào Nha am hiểu, chia sẻ và ủng hộ lẽ phải, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các đảng trong Quốc hội Bồ Đào Nha cũng ủng hộ việc tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Đài RFI, ngày 28-6, Thủ hiến bang A-ru-na-chan Pra-đét của Ấn Độ, ông Na-bam Tu-ki (Nabam Tuki), đã lên tiếng phản đối Trung Quốc phát hành bản đồ mới cách đây vài ngày, bao gồm cả bang A-ru-na-chan Pra-đét của Ấn Độ. Ông Na-bam Tu-ki cũng cho biết, sẽ yêu cầu chính phủ của Thủ tướng N. Mô-đi (Narendra Modi) can thiệp trong vụ này.

Bản đồ mới của Trung Quốc không chỉ vẽ đường biên giới bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông mà còn bao gồm cả bang A-ru-na-chan Pra-đét. Cho tới nay, Bắc Kinh và Niu Đê-li vẫn tranh chấp chủ quyền trên phần lãnh thổ biên giới chung này.

Trước đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã thông báo với Phó chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha An-tô-ni-ô Phi-líp về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, đồng thời cảm ơn Chính phủ Bồ Đào Nha đã ủng hộ Tuyên bố của EU về vấn đề này.

Trong buổi làm việc với đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân Tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình dẫn đầu thăm U-dơ-bê-ki-xtan, Chủ tịch Thượng viện nước này I. Xa-bi-rốp (I. Sabirov) tin tưởng rằng, cộng đồng thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.

Trong một bài báo gần đây được đăng tải trên trang mạng InterAksyon.com, ông A-ma-đô Man-đô-da (Amado Mendoza), giảng viên Chính trị, Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Phi-líp-pin nhận xét: “Thật không may đối với một cường quốc đang lên như Trung Quốc, khi mà việc áp đặt sức mạnh không phải bao giờ cũng đúng. Nếu một nước lớn áp đặt quá nhiều yêu sách đối với một nước nhỏ, chính bản thân nước đó sẽ tạo ra thách thức cho mình hơn là sự phục tùng của một nước nhỏ. Các nước nhỏ cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ ở Tòa án quốc tế và từ cộng đồng quốc tế”.

Nhận định này cũng đồng quan điểm của giới luật gia và các nhà phân tích chính trị Cam-pu-chia khi cho rằng, giải pháp an ninh cho Biển Đông vẫn phụ thuộc vào con đường ngoại giao, nhưng Việt Nam không nên bỏ qua ý định kiện Trung Quốc vì điều này sẽ cho thế giới thấy, Việt Nam mong muốn có một giải pháp hòa bình và công bằng.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân