Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Bùi Văn Khoa mới đây đã gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan Ti-mo Du-ha-ni Xoi-ni (Timo Juhani Soini) để trao thư của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại buổi tiếp, ông Ti-mo Du-ha-ni Xoi-ni cho rằng hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không đơn giản bộc phát, mà nằm trong tính toán, lộ trình chiến lược lâu dài, tương tự như một số sự việc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản…
Tàu quân sự của Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981
hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thắng.
Ông Ti-mo Du-ha-ni Xoi-ni cho rằng, mục tiêu đằng sau của Trung Quốc là kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị. Ghi nhận đề nghị của Việt Nam đối với Phần Lan cùng các nước bạn bè và dư luận quốc tế lên án hành động sai trái của Trung Quốc, ông bày tỏ mong muốn các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang, tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, hứa nghiên cứu các tài liệu để hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông.
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Ca-na-đa Tô Anh Dũng đã có cuộc gặp với bà Giay-nen An-đrây-chắc (Raynell Andreychuck), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ca-na-da để thông báo và cập nhật tình hình về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đại sứ Tô Anh Dũng đã trao thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng gửi bà Giay-nen An-đrây-chắc, trong đó nêu rõ Quốc hội Việt Nam cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế; làm tổn hại sâu sắc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung.
Bà Giay-nen An-đrây-chắc đã ghi nhận và chia sẻ mối quan ngại của Việt Nam về tình hình đang diễn ra ở khu vực; đồng thời đánh giá cao lập trường và sự kiềm chế của Việt Nam; mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Bà cho biết, sẽ có hình thức phổ biến thông tin và thu xếp để Đại sứ có buổi trao đổi về tình hình khu vực tại Thượng viện Ca-na-đa vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, báo chí quốc tế tiếp tục đăng các bài viết phản ánh và phân tích về các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua. Hai tờ báo lớn của Pháp là “Le Monde” và “Les Echos” ngày 24-6 đã có các bài viết nhận định về chiến thuật Trung Quốc đang sử dụng để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý trên Biển Đông. Theo báo “Le Monde”, cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử”, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng về biên giới trên biển, khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực ngày càng nghi ngờ về cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Bài viết trên “Le Monde” có tựa đề “Bắc Kinh gia tăng khiêu khích và đe dọa hòa bình trên Biển Đông” được đăng kèm bức ảnh chiếm 1/3 trang nhất cảnh tàu Trung Quốc đang phun vòi rồng vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật.
Tác giả bài viết trên “Le Monde” cho rằng, việc Việt Nam cho phép giới truyền thông nước ngoài tham gia cùng các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển nước này là nhằm chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng chiến dịch phản đối hằng ngày của Việt Nam là ôn hòa và hành động của các tàu Trung Quốc là mang tính đe dọa.
Còn trên nhật báo kinh tế "Les Echos", tác giả bài viết cho rằng với kiểu chiến lược tạo ra “sự đã rồi”, Trung Quốc đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả để có những điều chỉnh lối ứng xử của mình. "Les Echos" trích nhận định của bà Va-lê-ri Ni-kết (Valérie Niquet) thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp cho rằng: “Nếu họ phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ cách hành xử, còn nếu các quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh không phản ứng gì, trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ rộng đường hành động”.
Có cùng nhận định của "Le Monde", tác giả bài viết trên “Les Echos” cho rằng, ngoài việc thử phản ứng của các nước liên quan, mục đích khiêu khích của Bắc Kinh còn để thăm dò phản ứng của Mỹ và chiến lược "xoay trục" của nước này.
Cuối cùng, tác giả bài viết cho rằng việc chọn “trọng tài” để giải quyết các mâu thuẫn là hướng nên làm vì “trọng tài áp đặt quy định về quyền, xuất phát từ một định chế được cho là độc lập”.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân