Đó là những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sáng nay (15/3) tại TP Cần Thơ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến người nông dân, đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trung ương đã có một Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các tiêu chí được đề ra về xây dựng nông thôn mới chính là CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, một trụ đỡ của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, nông nghiệp liên tục tăng trưởng, đây là thành tựu quan trọng, qua đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; đời sống của một bộ phận người lao động sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chi phí chi sản xuất cao, giá bán nông sản thấp đi, năng suất lao động thấp. Tinh thần chung của Trung ương là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp của đất nước theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động sản xuất nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ các địa phương trong vùng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng, đưa khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. “Đây là một việc làm quyết định trong tái cơ cấu nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó là cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đã triển khai hiệu quả ở một số địa phương.
Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất; cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược. Dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ là để phục vụ cho phát triển bền vững; tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch,... Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Lưu ý chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo.
Đề cập đến các vấn đề cụ thể về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tiềm năng lợi thế của vùng chính là lúa gạo, tôm, cá, cây ăn trái (vùng đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước cũng là nhờ trên nền của những tiềm năng, lợi thế nói trên).
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các tỉnh trong vùng tiếp tục phát huy những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, tính toán, dự báo sát khả năng tiêu thụ nông sản trên thực tế, tránh trình trạng được mùa rớt giá. Triển khai hiệu quả việc giảm diện tích lúa cho năng suất thấp sang trồng cây hoa màu có thị trường hoặc chuyển sang trồng đậu tương, ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.
Đặc biệt quan tâm lai tạo các loại giống lúa cho năng suất cao, song phải đạt chất lượng tốt; đảm bảo giá trị cao trong xuất khẩu; từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Hỗ trợ tối đa cho các mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả; đưa máy móc công nghiệp, đưa doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương từ ngày 15/3 sẽ tổ chức thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chủ trương thua mua tạm trữ lúa gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần duy trì, mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đi liền với quan tâm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo mới. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện cần thiết thì kiên quyết không cho hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo.
Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo tinh thần kịp thời, đủ vốn, đúng đối tượng, đủ thời gian cho vay theo chu kỳ sản xuất; cố gắng tăng dư nợ tín dụng trong nông nghiệp; cơ cấu lại nợ cho nuôi trồng thủy sản, cá tra; triển khai gấp các chương trình thí điểm cho vay phát triển nông nghiệp theo đề xuất của NHNN.
Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm các ngân hàng không được để tình trạng ngư dân ra khơi, bám biển phải vay nặng lãi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại Hội nghị đã phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo, nhất là thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường và thực tế giá gạo chào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng đã giảm mạnh.
Trước tình hình này, các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương trong vùng đã đề xuất giải pháp liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trong đó Ngân hàng Nhà nước cam kết ngay tại Hội nghị sẽ dành khoảng 8 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo vụ Đông Xuân; áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo các Bộ: Công Thương, NNPTNT cho hay, hiện đang tích cực đàm phán ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo gắn với mở rộng thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn các loại giống lúa chất lượng cao cũng như xây dựng kế hoạch sản xuất lúa gạo toàn diện, hiệu quả và bền vững; tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, đồng thời thực hiện tốt chính sách mua tạm trữ gạo, kéo dài thời gian thu mua tạm trữ.
Nguồn www.chinhphu.vn