Dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi): Nhiều quy định chưa phù hợp

Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo ý kiến của nhiều thành viên UBTVQH, dự án Luật có nhiều quy định chưa phù hợp với Hiến pháp và một số luật khác.

 Phiên họp thứ 26 của UBTVQH. (Ảnh: TTXVN)

Tăng thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán

Liên quan đến nhiệm kỳ của Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn cho biết, các ý kiến trong Ban soạn thảo đều cho rằng nhiệm kỳ của Thẩm phán theo quy định hiện hành (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tổ chức, quản lý của ngành Tòa án, gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, về phương án sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán có các loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán Tòa án khác là 5 năm; nếu được tái nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án khác là 10 năm.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định theo hướng tăng thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án là phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, cần phải có lộ trình và xuất phát từ yêu cầu quản lý, đánh giá cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ công tác, xem xét trách nhiệm, đạo đức lối sống…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, việc kéo dài thời hạn bổ nhiệm của Thẩm phán TANDTC cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là không phù hợp. Đề nghị quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán (không phân biệt Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Tòa án khác) là 10 năm.

Nhiều quy định chưa phù hợp với Hiến pháp và một số luật khác

Các ý kiến tại phiên họp đều đánh giá cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai soạn thảo dự án Luật theo các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Dự thảo Luật có nhiều quy định mới, bước đầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, dự án Luật có nhiều quy định chưa phù hợp với Hiến pháp, với nhiều luật khác.

Điểm đầu tiên chưa phù hợp là quy định về Học viện Tòa án. Theo dự thảo Luật, Học viện Tòa án thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp và nguồn bổ nhiệm, tuyển dụng vào các chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân; nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc quy định Học viện Tòa án gồm các Trường, Viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học, vì đây chính là quy mô của một Đại học Quốc gia (được Chính phủ thành lập), trong khi yêu cầu chính của Học viện Tòa án là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Tòa án các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng cho rằng nên bỏ điều này, vì trái với Luật Giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì không tán thành có quy định về “Thẩm phán ngoài ngạch”. Bởi vì Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Ông cũng nhấn mạnh, theo quy định tại khoản 3 Điều 88 của Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm Thẩm phán các Tòa án. “Do đó, dự thảo Luật quy định Chánh án TANDTC bổ nhiệm Thẩm phán ngoài ngạch là không phù hợp. Quy định thế là hạ thấp vai trò của Thẩm phán” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Nghiên cứu kỹ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng bày tỏ “Đọc dự thảo Luật cảm thấy tổ chức Tòa án như là tổ chức hành chính của một Bộ. Tôi đề nghị Luật này nên soạn thảo theo hướng để làm sao tổ chức Tòa án thực hiện tốt chức năng là xét xử”.

Một trong những điểm chưa phù hợp khác cũng được chỉ ra là về tổng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, tổng biên chế của Tòa án nhân dân. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện chia sẻ, dự thảo Luật quy định Chánh án TANDTC quyết định là chưa phù hợp với khoản 6 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013. Theo ông, việc quyết định tổng biên chế của ngành Tòa án là việc quan trọng, cần đặt trong tổng thể biên chế hành chính nhà nước và phải cân nhắc hài hòa giữa nhu cầu sử dụng và khả năng ngân sách, bảo đảm các chế độ, chính sách...

Từ những phân tích trên, UBTVQH đã đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại dự thảo Luật để chỉnh sửa cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam