Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình: So với quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Dự thảo Luật sửa đổi có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Trong đó, bổ sung quy định về thẩm quyền thực hiện chức năng của từng cấp VKS; sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của VKSNDTC và VKSND cấp tỉnh; vị trí, vai trò của Ủy ban kiểm sát; bổ sung quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; đồng thời, sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo hướng xác định rõ vị trí của kiểm sát viên tại phiên tòa...
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình
Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Có nên bổ sung thêm nhiệm vụ cho kiểm sát viên?
Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã đưa ra 2 phương án (Khoản 1, Điều 63) sửa đổi quy định về nhiệm vụ của kiểm sát viên (KSV) như sau:
Phương án 1: KSV không chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng.
Phương án 2: KSV là chức danh chỉ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Luật này.
Về vấn đề này, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đa số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi nhiệm vụ của KSV theo hướng thực hiện thêm các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng. Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật hiện hành, quy định về vấn đề này đang tạo ra nhiều khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ của ngành Kiểm sát. Việc mở rộng phạm vi nhiệm vụ của KSV là hợp lý và còn có tác dụng tạo nguồn KSV phục vụ tốt cho công tác luân chuyển cán bộ của ngành. Cùng với đó, phương án này bảo đảm cho Viện trưởng VKSNDTC chủ động trong việc sử dụng cán bộ và cũng không gây quan ngại về việc bổ nhiệm KSV một cách tùy tiện.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khi trình bày báo cáo thẩm tra lại cho rằng, cần tiếp tục giữ quy định hiện hành về nhiệm vụ của KSV là “người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp” là đúng đắn, bảo đảm xác định đúng nhiệm vụ của chức danh tư pháp, gắn với vị trí việc làm và thẩm quyền do Luật định. Không nên quy định KSV thực hiện các nhiệm vụ khác ngoài hai nhiệm vụ nói trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng băn khoăn về: "Nhiệm vụ khác là gì?". Dẫn chứng quy định tại khoản 1, Điều 86 Dự thảo Luật: “Các VKS quân sự thuộc hệ thống VKSND được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của VKSNDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: Nên nghiên cứu lại vấn đề này, chỉ nên quy định KSV thực hiện theo đúng nhiệm vụ như Luật hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: VKS thực hiện quyền công tố, vậy việc công tố này sẽ được kiểm soát như thế nào? Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: ““Xây dựng luật phải thể hiện được tinh thần này. Làm tố tụng phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ. Các cơ quan tư pháp vừa phải bảo đảm tính độc lập nhưng phải kiểm soát lẫn nhau. Xét xử độc lập, theo pháp luật chứ không phải xét xử theo ý mình hay theo hướng công tố”. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần rà soát kỹ lại vấn đề này để sửa đổi, bổ sung trên tinh thần của Hiến pháp, tất cả quyền lực phải được kiểm soát. Có như vậy, quyền con người mới được bảo đảm.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn cũng đề nghị: Làm rõ với quy định: “ KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” thì KSV có kiểm sát cả quyền công tố hay không?
Băn khoăn độ tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên VKSNDTC
Về tuổi làm việc áp dụng đối với ngạch KSV VKSNDTC, Dự thảo Luật bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu của cán bộ VKSND, trong đó, tuổi nghỉ hưu của ngạch Kiểm sát viên VKSNDTC là 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam và bổ sung quy định về cơ chế sử dụng chuyên gia đầu ngành (Điều 55).
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định trên là hợp lý, bởi đây là nghề nghiệp mang tính chất đặc thù, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm.
Tán thành quy định tăng tuổi làm việc đối với KSV VKSNDTC, song Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại chỉ ra, quy định trên chưa phù hợp với Điều 187 Bộ luật Lao động 2012. Phân tích Bộ luật Lao động hiện hành quy định độ tuổi về hưu với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi và không quy định tuổi hành nghề, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần kiểm soát vấn đề này.
“Tôi ủng hộ phương án trên, nhưng phải bằng văn bản khác chứ không được quy định trong Luật này” , Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất.
Một số ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi làm việc của KSV VKSNDTC là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, xem xét tổng thể toàn diện về mọi mặt. Trước mắt, không nên quy định ngay trong Luật tuổi làm việc của KSV VKSNDTC./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam