Bổ sung trên 18 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho 82 dự án

Theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí phân bổ trên 18 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho 82 dự án đã được các bộ, địa phương rà soát.

 

UBTVQH họp sáng ngày 11/3. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại.

Quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đến ngày 06/03/2014, Thường trực Ủy ban này đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của 60/63 Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tại Phiên họp này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Trong đó, về thẩm quyền đơn phương miễn thị thực, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước và giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước, nhằm bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, vẫn còn hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành như dự thảo Luật đã được chỉnh lý; loại ý kiến thứ hai, đề nghị lấy lại quy định của dự thảo Chính phủ trình, theo đó, "Chính phủ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đơn phương miễn thị thực cho từng nước" vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.

Liên quan đến vấn đề tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc cư trú của người nước ngoài tại các khu vực nêu trên đây là vấn đề khá phức tạp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cư trú của người nước ngoài ở khu vực biên giới được pháp luật về biên giới quốc gia điều chỉnh. Người nước ngoài cư trú ở khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế do Nghị định của Chính phủ điều chỉnh (Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 và Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013). Theo đó, Điều 32 của dự thảo Luật này đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, cuối tháng 2/2014, Thường trực Ủy ban này đã khảo sát khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và nhận thấy, quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (người nước ngoài tạm trú tại nhà khách do nhà thầu xây dựng hoặc tận dụng khu chuyên gia cũ bảo đảm tách riêng với khu vực sản xuất). Tuy nhiên, đối với khu kinh tế biển, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì người nước ngoài tạm trú ở đâu vẫn chưa rõ. “Đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định tại Điều 32 theo hướng đối với khu kinh tế biển áp dụng như khu kinh tế cửa khẩu đất liền, vì các xã ven biển đều nằm trong khu vực biên giới biển. Đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đây là vấn đề mới đang trong quá trình thí điểm, đề nghị quy định người nước ngoài được tạm trú ở các cơ sở lưu trú nhưng có cơ chế quản lý riêng do Chính phủ quy định” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, vì dự án Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần nghiên cứu, rà soát kỹ, theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Ngoài ra, các quy định trong Luật này cũng phải theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Bổ sung trên 18 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng số dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần phải rà soát lại là 91 dự án, trong đó có 36 dự án giao thông, 35 thủy lợi, 20 dự án y tế tại 2 bộ (Giao thông vận tải, Y tế) và 23 tỉnh, thành phố. Theo phương án rà soát, bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, giai đoạn 2014-2016, có 41 dự án được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo tổng mức đầu tư (Bộ Giao thông vận tải: 2 dự án, Bộ Y tế 2 dự án, các địa phương 37 dự án) và 40 dự án hoàn thành được các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả dự án. Sau năm 2016, chỉ còn 9 dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, phải tạm giãn, hoãn tiến độ hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.

Tại Phiên họp, UVTVQH đã biểu quyết thống nhất bổ sung trên 18 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho 82 dự án đã được các bộ, địa phương rà soát. Trong đó, bố trí 1.323 tỷ đồng để hoàn thành 5 dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội (bao gồm 350 tỷ đồng bố trí thực hiện giai đoạn I Dự án Thay tà vẹt K1, K2, tà vẹt sắt bằng tà vẹt dự ứng lực, kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 đối với ga chỉ có 2 đường trên đoạn Vinh - Nha Trang (số vốn bổ sung sẽ đủ cho giai đoạn I của Dự án); bố trí 4.362 tỷ đồng cho 22 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô phù hợp với mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016; 8.762 tỷ đồng cho 37 dự án dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 không điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhưng bộ và địa phương có văn bản cam kết huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; trên 3,6 nghìn tỷ đồng cho 18 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư, đồng thời cam kết huy động thêm nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

UBTVQH cũng quyết định không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho 9 dự án tạm đình hoãn để xử lý sau hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư. Đối với các dự án do Bộ Y tế có các nguồn vốn thực hiện, các dự án đầu tư chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương cấp hàng năm theo quy định, vốn xã hội hóa và nguồn thu trích từ nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ, Chính phủ cam kết bố trí thêm nguồn vốn ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để sớm hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ, góp phần giảm quá tải các bệnh viện./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam