Nỗ lực xây dựng ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh nhà ngày càng phát triển

(NTO) Ngay sau ngày tỉnh nhà được tái lập (1-4-1992), ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh được thành lập. Qua 21 năm hình thành và phát triển, đến nay toàn ngành có 26 đơn vị trực thuộc, với 1.270 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Nguyễn Đức Thu
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT

Ngành Nông nghiệp & PTNT là ngành kinh tế lớn của tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, ngành đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, thể hiện ở giá trị thu nhập các hộ nông dân, ngư dân, diêm dân không ngừng nâng cao. So với năm 1992, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,67 lần; sản lượng lương thực có hạt tăng 2,58 lần; số lượng gia súc tăng 2,1 lần; sản lượng khai thác hải sản tăng 5,03 lần; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 18,91 lần, trong đó sản lượng tôm thương phẩm tăng 11,21 lần; sản lượng giống thủy sản từ chỗ chưa có, nay đã hình thành Trung tâm Giống chất lượng cao của cả nước với sản lượng đạt 15,7 tỷ con vào năm 2012; sản xuất muối tăng 3,5 lần về sản lượng và 6,5 lần về diện tích đồng muối.

Đặc biệt công tác thủy lợi, nếu năm 1992 toàn bộ nước sinh hoạt và sản xuất trong tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước thủy điện Đa Nhim với dung tích khoảng 165 triệu m3 , thì từ năm 1992 đến năm 2012 đã đầu tư và hoàn thành thêm 19 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế tăng thêm 181,91 triệu m3, góp phần nâng cao năng lực tưới từ 15.500 ha (năm 1992) đạt 33.327 ha vào cuối năm 2012.

 
Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ảnh: Văn Miên

Với sự phát triển của thủy lợi, công tác khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt được các kết quả to lớn, tổng diện tích đất nông nghiệp đến năm 2012 tăng thêm 28.367 ha, trong đó đất trồng cây hằng năm tăng 23.662 ha, đất trồng cây lâu năm tăng 5.755 ha, đất nuôi trồng thủy sản tăng 1.193 ha, tăng gấp 2,9 lần so với năm 1992, diện tích đất sản xuất muối tăng 2.800 ha. Một trong những thành quả toàn ngành đã đạt được đó là công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, qua đó đã góp phần tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi. Đơn cử như năng suất lúa đã tăng từ 37,3 tạ/ha năm 1992 lên 56,2 tạ/ha năm 2012; năng suất nho từ 199 tạ/ha năm 1992 đã tăng lên 223tạ/ha năm 2012; mía từ 38,2 tấn/ha năm 1992 tăng đạt 52,38 tấn/ha năm 2012....

Sản xuất thủy sản đã có sự phát triển lớn về năng lực đánh bắt với số lượng tàu thuyền tăng từ 1.022 chiếc (năm 1992) lên 2.604 chiếc (năm 2012) với tổng công suất đạt 214.325 CV, tăng gấp 13,4 lần. Đáng nói là ngư dân ngày càng đầu tư phát triển các loại tàu có công suất lớn từ 90 CV trở lên phục vụ đánh bắt dài ngày, xa bờ với tổng số 758 chiếc, chiếm 29,1% số lượng tàu thuyền.

 
Hồ Lanh Ra (huyện Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên

Về sản xuất muối, đã xây dựng và nâng cấp đồng muối Cà Ná, Tri Hải, phát triển mở rộng cơ sở sản xuất muối Quán Thẻ, nên diện tích sản xuất và sản lượng muối hàng năm đều tăng, đến năm 2012 có 3.371 ha ruộng muối, với sản lượng thu hoạch 219.400 tấn. Đã đưa vào áp dụng tiến bộ kỹ thuật phủ bạt che mưa ô kết tinh trong sản xuất muối, công nghệ rửa muối đảm bảo chất lượng xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và diêm dân làm giàu chính đáng.

Diện tích rừng phòng hộ (115.863,5 ha), đặc dụng (42.327 ha), rừng sản xuất (40.878,5ha) được quy hoạch, bảo vệ, ngày càng phát triển với việc đầu tư trồng rừng (18.836,6 ha), chăm sóc, tu bổ rừng góp phần nâng cao độ che phủ và bảo vệ tài nguyên môi trường và sự đa dạng sinh học, tỷ lệ độ che phủ đến năm 2012 đạt 44% cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cùng với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, ngành còn quan tâm đầu tư phát triển nông thôn với sự hình thành mạng lưới các công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, đến năm 2012 đạt tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước hợp vê sinh đạt 83%, cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ 32% của năm 1992; tỷ lệ dân nông thôn có công trình nhà vệ sinh hợp vệ sinh đạt 63%, cao hơn 53% so với thời điểm năm 1992. Nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường nông thôn, quy hoạch lại khu dân cư, xây dựng trường, trạm, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng đã được triển khai xây dựng và gần đây đã được triển khai lồng ghép cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, nhất là các vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang, vùng miền núi…

 
Ngư dân Ninh Hải được mùa hải sản. Ảnh: Văn Miên

Có thể nói, cùng với sự phát triển của xã hội và tỉnh nhà, trong chặng đường 21 năm qua cán bộ công chức, viên chức và người lao động Ngành NN&PTNT không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Trong từng giai đoạn kế hoạch 5 năm và hằng năm, ngành đã tổ chức nhiều đợt thi đua liên tục để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của ngành. Với những đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội của quê hương Ninh Thuận, nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được khen tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý.

Chỉ tính giai đoạn từ năm 2008 đến nay, với những thành tựu đã đạt được Sở NN&PTNT Ninh Thuận đã được Bộ NN&PTNT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tặng thưởng nhiều cờ thi đua và bằng khen. Đặc biệt, đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là động lực to lớn để ngành NN&PTNT Ninh Thuận phấn đấu xây dựng và phát triển cao hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.