Tính đến tháng 10, toàn huyện có 2.042 lao động được giải quyết việc làm, đạt 97% kế hoạch năm. Cụ thể, trên 600 lao động làm việc trong tỉnh, 1.340 lao động làm việc ngoài tỉnh (tập trung các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh), xuất khẩu lao động 7 trường hợp. Trong khi đó, công tác dạy nghề chỉ đạt hơn 36% kế hoạch năm, với 7 lớp/238 học viên.
Học viên lớp may công nghiệp sau đào tạo được giới thiệu việc làm
nên thu hút nhiều người lao động tham gia.
Đồng chí So Y Tòng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, địa phương. Theo đó, các đơn vị phối hợp rà soát, xác định đối tượng và ngành nghề đào tạo sao cho phù hợp với đặc điểm địa phương và nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa phát huy hiệu quả cao nên nhận thức của người dân về việc tham gia các lớp học nghề để nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, dẫn đến thực tế số lượng học viên ít. Mặt khác, việc tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (từ 2 đến 3 tháng) khiến không ít người e ngại vì đa số là lao động chính trong gia đình, nếu theo các lớp học này có thể ảnh hưởng đến việc đồng áng.
Là đơn vị trực tiếp đảm nhận việc đào tạo nghề trên địa bàn, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Dạy nghề và Hướng nghiệp Ninh Sơn luôn sẵn sàng cả nhân lực và vật lực. Ông Đỗ Đây, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù đơn vị vừa mới được sát nhập từ hai Trung tâm: Dạy nghề Ninh Sơn và Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Ninh Sơn vào cuối tháng 6, vẫn còn không ít khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống khi sát nhập nhưng chất lượng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề luôn đảm bảo. Tùy đặc thù mỗi địa phương và ngành nghề mà các lớp được bố trí dạy ban đêm và ban ngày khác nhau. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong đào tạo nghề xã hội vẫn chủ yếu nằm ở cấp xã, thị trấn. Do đặc điểm đối tượng và mặt bằng dân cư của từng địa phương mà việc huy động người dân tham gia học nghề gặp nhiều trở ngại. Riêng các lớp may công nghiệp thu hút được khá đông lao động ở độ tuổi thanh niên tham gia vì sau đào tạo được giới thiệu việc làm ở Công ty CP Dệt may Quảng Phú đóng chân trên địa bàn. Tuy nhiên, theo phản hồi từ đơn vị này, một số lao động vẫn chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp, dẫn đến thái độ lao động chưa tích cực, thiếu tính kỷ luật.
Đồng chí So Y Tòng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn, cho biết: Để công tác đào tạo nghề mang lại hiệu quả tích cực trong cải thiện chất lượng sản xuất của địa phương, chúng tôi lựa chọn những ngành nghề phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, Dự án Hỗ trợ Tam nông,… Ngoài ra, địa phương cũng đang tích cực biên soạn tài liệu phục vụ việc dạy một số nghề truyền thống như: làm đũa, phơi sấy măng khô, đan lát,… Trong 2 tháng cuối năm, các đơn vị tiếp tục tập trung mở lớp đào tạo những ngành nghề sản xuất nông nghiệp như: chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật sản xuất lúa giống, kỹ thuật chăn nuôi thú y, phòng bệnh trên cây mía,… Toàn huyện phấn đấu mở thêm 11 lớp/380 học viên, nâng tỷ lệ đào tạo nghề lên 94% kế hoạch năm.
Bảo Bình