Trao đổi: Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dạy học tiếng Chăm

(NTO) Chữ Chăm chính thức được đưa vào dạy trong trường học tại Thuận Hải cũ (gồm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) từ năm 1978 với số lớp ban đầu là 2 lớp, 82 học sinh cấp tiểu học. Ngay sau năm học đó, số lớp dạy học tiếng Chăm được nâng lên thành 24 lớp với 1.032 học sinh.

Tháng 4-1992, Thuận Hải được chia tách thành 2 tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận. Chỉ tính riêng Ninh Thuận, năm học 2002-2003, có 23 trường tiểu học vùng đồng Chăm với tổng số 367 lớp, 9.886 học sinh, đạt 100% học sinh Chăm vùng đồng bào Chăm trong tỉnh được học tiếng Chăm

Ngành GD&ĐT Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Chăm. Liên tục mở các lớp bồi dưỡng tiếng Chăm cho giáo viên trong các dịp hè để giải quyết vấn đề đội ngũ dưới nhiều hình thức: căn bản, nâng cao, bồi dưỡng thường xuyên và chủ động kết hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận mở các lớp tiếng Chăm cho giáo sinh người Chăm vào giai đoạn cuối khóa học. Tính đến nay, có hơn 900 giáo viên được bồi dưỡng với các hình thức này, chưa kể các hình thức bồi dưỡng theo chuyên đề, bồi dưỡng thay sách theo kế hoạch của Vụ Giáo dục Dân tộc thuộc GD&ĐT tổ chức hay kết hợp với Trường Đại học Quy Nhơn đào tạo 19 giáo viên nồng cốt chuyên dạy tiếng Chăm, liên kết với tổ chức Seqap tổ chức đào tạo 30 giáo viên dạy tiếng Chăm cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (Ninh Thuận 18 giáo viên, Bình Thuận 12 giáo viên) . Với cách làm này, Ninh Thuận đã giải quyết cơ bản đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm cấp tiểu học, chấm dứt tình trạng hợp đồng với trí thức người Chăm dạy tiếng Chăm trong trường học.

 
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dạy chữ Chăm cho giáo viên.

Các hoạt động mũi nhọn, phong trào dạy học tiếng Chăm cũng được các trường thực hiên thường xuyên và có hiệu quả thật sự: Phong trào thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, thi đồ dùng dạy học, thi kể chuyện tiếng Chăm…cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm.

Từ năm học 2002-2003 đến nay, chất lượng đại trà của các các trường dạy học tiếng Chăm liên tục dao động trong phạm vi từ 82 đến 85%. Cá biệt có các trường tiểu học Phước Nhơn (Ninh Hải), Nhơn Sơn B (Ninh Sơn)…liên tục duy trì tỷ lệ học sinh đại trà lên đến 95% và thường xuyên là một trong các đơn vị dẫn đầu về số lượng học sinh giỏi tiếng Chăm hằng năm. Các kỹ năng cơ bản: nghe, nói đọc viết tiếng Chăm của các em ngày càng có nhiều tiến bộ. Nhiều em đã bước đầu đọc khá diễn cảm, viết những đoạn văn ngắn bằng tiếng Chăm khá sáng tạo.

Tuy nhiên do nhiều lí do, công tác dạy học tiếng Chăm cũng còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể là độ bền vững về chất lượng học tiếng Chăm của số đông các em chưa cao. Khi còn là học sinh tiểu học, phần lớn các em “thông thạo” tiếng Chăm, nhưng khi lên lớp lớn, càng về sau chất lượng càng giảm dần, cá biệt có em “chữ Thầy trả lại cho Thầy”. Hiện tượng “tái mù” không phải là không có trong số các em đã học tiếng Chăm. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là tiếng Chăm chỉ được dạy ở bậc tiểu học với thời lượng từ 3 đến 4 tiết/tuần, không có thêm tài liệu để các em được đọc thêm, học thêm. Sách giáo khoa tiếng Chăm là “tài liệu” duy nhất mà các em có nhưng cũng chỉ được mượn để học trong thời gian trong năm học; trước khi nghỉ hè, tất cả sách giáo khoa đều được thư viện nhà trường thu cất, bảo quản, tu sửa để chuẩn bị cho năm học mới. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần có chủ trương, ngoài việc cho các em mượn, cần nghiên cứu cho phép bán sách giáo khoa tiếng Chăm với giá “hỗ trợ” để các em có tư liệu mang về nhà học thêm khi cần - kể cả những lúc các em không có cơ hội để học tiếng Chăm khi lên các lớp lớn. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu mở rộng việc dạy học tiếng Chăm các cấp học cao hơn (THCS, THPT) với một thời lượng thích hợp. Một đề án dạy học tiếng Chăm cho các cấp học THCS và PTTH có lẽ cũng đã đến lúc cần khởi động. Từ mùa thi Đại học, Cao Đẳng năm 2012, Bộ Giáo dục đã có mã ngạch cho ngành học sư phạm tiếng Chăm cùng với các tiếng Khmer, Jarai, Hmong. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn một tương lai xán lạng cho các tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Chăm. Nhưng, để có thí sinh dự thi ngành sư phạm tiếng Chăm và đủ khả năng theo học tiếng Chăm, việc chuẩn bị cho các em những kiến thức về ngôn ngữ chữ viết tiếng Chăm ngay từ bậc học phổ thông là điều hết sức cần thiết. Không một thí sinh nào dám dự thi ngành sư phạm tiếng Chăm hoặc sẽ theo học tiếng Chăm ở bậc đại học (nếu đỗ) khi trình độ tiếng Chăm của các em chỉ mới qua cấp tiểu học với vài trăm tiết học! Và ai sẽ là người dạy tiếng Chăm ở bậc cao đẳng, đại học trong vài năm tới nếu bây giờ chúng ta không có học sinh có trình độ tiếng Chăm chí ít là trung học phổ thông để tạo nguồn giáo viên cho các trường có ngành học này. Điều này hoàn toàn khác so với một số tiếng dân tộc thiểu số khác, ví như tiếng Khmer.

Tính đến nay, tiếng Chăm đã đưa vào học ở bậc tiểu học hơn 34 năm. Bộ sách giáo khoa tiếng Chăm cũng đã qua 3 lần chỉnh lý. Về hình thức lẫn nội dung các bộ sách giáo khoa tiếng Chăm cũng có nhiều tiến bộ. Từ chỗ sách giáo khoa tiếng Chăm chỉ viết bằng tay, in roneo ở giai đoạn đầu mới thành lập Ban biên soạn sách chữ Chăm, qua giai đọan in typhô, đến nay chữ Chăm được “viết” bằng font vi tính rõ ràng, chuẩn xác. Nhiều tranh ảnh minh họa đủ màu khá bắt mắt. Các nội cũng được tinh gọn, theo hướng giảm tải. Ngữ liệu đưa vào sách không phải là sự sao chép, chuyển dịch từ sách giáo khoa tiếng phổ thông đơn thuần như trước đây mà tỷ lệ văn học dân gian Chăm cũng được chú ý đưa vào một cách thích hợp, vừa phải, làm cho các em gần gũi hơn với cuộc sống của dân tộc mình. Sự cố gắng của đội ngũ các tác giả các bộ sách giáo khoa tiếng Chăm rất đáng trân trọng, nhưng vì không được quan tâm đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng một cách có hệ thống-đặc biệt là những kiến thức về khoa học ngôn ngữ, các kỹ năng cần thiết để biên soạn, in ấn sách nên nhiều lúc các tác giả cảm thấy bị “đuối sức”; bao nhiêu vốn liếng tự có theo năm tháng cũng “cạn kiệt” dần. Các tác giả hầu như không có một chế độ động viên nào mang tính đặc thù. Biết tiếng Chăm, viết sách tiếng Chăm, đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm nhưng chế độ lương bổng của các tác giả, các Thầy cũng chẳng thua gì một giáo sinh mới ra trường. Nếu tính theo mức lương bây giờ, giáo viên còn có phụ cấp trách nhiệm đứng lớp, có chế độ thâm niên; không cần biết tiếng Chăm vẫn “ vượt " rất xa đồng lương của cán bộ “biên soạn tiếng Chăm” cùng cấp, cùng hệ số lương, cùng thời gian công tác!. Nên chăng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu các chế độ, chí ít cũng có một sự ghi nhận, một sự đãi ngộ nào đó để động viên đội ngũ các tác giả, những người đã, đang trực tiếp biên soạn, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nói chung, tiếng Chăm nói riêng. Biên soạn sách, đào tạo đội ngũ dạy tiếng Chăm, người được đào tạo được cấp giấy chứng nhận để đủ điều kiện đi dạy, đủ điều kiện để hưởng các quyền lợi khác: 0,3 đứng lớp, được miễn thi ngọai ngữ khi thi chuyên viên chính…, trong khi chính tác giả, chính những người Thầy hoàn toàn không được một chút quyền lợi nào ! Rất không công bằng, nếu không muốn nói là quá thiệt thòi!

Trong công tác giảng dạy, từ khi đưa tiếng Chăm vào dạy đến nay, ngoài các bộ sách để giảng dạy, giáo viên không có một đồ dùng dạy học nào mà do nhà nước sản xuất - kể cả tranh, ảnh, chữ cái, âm, vần….Hầu hết các đồ dùng dạy học trong các tiết tiếng Chăm là do giáo viên tự làm hoặc tạm mượn đồ dùng dạy học bên tiếng phổ thông. Tất nhiên, độ chuẩn xác, tính khoa học của các đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên không thể đảm bảo hiệu quả giáo dục, đảm bảo tính sư phạm cao được. Các trang thiết bị phương tiện để dạy tiếng Chăm lại càng không có gì. Điều này, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT rất nhiều lần những vẫn chưa có động thái gì cụ thể. Mong rằng, các ngành chức năng cần quan tâm hơn về vấn đề này để các tiết dạy tiết dân tộc vốn ít tiết trở thành sinh động, hấp dẫn và thật sự có chất lượng hơn. Thời gian gần đây, Vụ Giáo dục dân tộc đã bắt đầu "khởi động" thông qua các Hội nghị, hội thảo về thiết bị, đồ dùng dạy học tiếng dân tộc. Đây là tín hiệu rất mừng nhưng không biết có lâu lắm không, đến bao giờ và khi nào các sản phẩm ấy ra đời!

Dạy và học tiếng DTTS nói chung, tiếng Chăm nói riêng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta được thể chế hóa bằng các văn bản pháp qui. Thực tế, trong thời gian gian qua, các địa phương, các cấp các ngành- đặc biệt là ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để thực hiện các chủ trương này và bước đầu đã mang lại những kết quả rất đáng phấn khởi. Công tác dạy học tiếng DTTS cũng như tiếng Chăm ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như nâng dần về mặt chất lượng, tạo điều kiện cho các em tiếp thu thuận lợi các môn học tiếng phổ thông. Con em đồng bào thật sự vui mừng, tự hào và rất phấn khởi khi được học tiếng mẹ đẻ của mình. Bà con các dân tộc cũng rất hãnh diện và vui mừng khi con em học được chữ của cha ông mà ngày xưa vì nhiều lý do họ không được học. Chữ DTTS nói chung, chữ Chăm nói riêng ngày càng đi vào cuộc sống của đồng bào thông qua các sinh hoạt đời thường: đám cưới, sinh nhật, tang chế, lễ tết, thiệp mời... hầu như nơi nào cũng có ít nhiều chữ Chăm được đưa vào những vị trí trang trọng nhất. Tất cả những điều đó đã nói lên chủ trương đưa chữ viết các DTTS vào trường học là hết sức đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, qua đó tăng thêm niềm tin của bà con đối với chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và chính sách về tiếng nói chữ viêt các DTTS nói riêng. Công tác dạy học tiếng DTTS nói chung, tiếng Chăm nói riêng sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa nếu những bất cập hiện nay được quan tâm giải quyết thỏa đáng, kịp thời.