Hỗ trợ 9 địa phương hụt thu ngân sách
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, tổng nguồn lực của ngân sách Trung ương (NSTW) đến hết năm 2012 là 4.713,3 tỷ đồng (gồm 4.000 tỷ đồng dự toán bố trí ở các lĩnh vực chi NSTW năm 2012 nhưng chưa sử dụng; 713,3 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân thuộc kế hoạch năm 2011 của các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương được chuyển nguồn sang năm 2012).
Chính phủ dự kiến sử dụng nguồn trên như sau: Bù giảm thu ngân sách Trung ương (NSTW) là 1.500 tỷ đồng; Thưởng vượt thu cho ngân sách địa phương (NSĐP) và hỗ trợ đầu tư trở lại cho các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ theo chế độ là 283 tỷ đồng; Bù giảm thu cân đối năm 2012 của NSĐP là 1.937 tỷ đồng.
Sau khi xử lý 3 nội dung trên, nguồn lực còn lại của NSTW khoảng 993 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị sử dụng để bổ sung cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (800 tỷ đồng), Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (193 tỷ đồng), nhằm giải quyết một phần khó khăn về thanh khoản cho 2 ngân hàng này.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhất trí với việc sử dụng 1.500 tỷ đồng để bù giảm thu NSTW, bảo đảm khả năng cân đối NSTW.
Đối với việc bù giảm thu cân đối NSĐP (1.937 tỷ đồng), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, nếu các địa phương bị hụt thu, thì phải sắp xếp lại chi, góp phần bảo đảm cân đối NSĐP. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, cắt giảm, điều chỉnh theo Chỉ thị 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều hành NSNN những tháng cuối năm thì NSĐP năm 2012 vẫn còn hụt thu khá lớn. Việc hỗ trợ từ NSTW cho các địa phương này là cần thiết. Do vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí với việc hỗ trợ từ NSTW cho ngân sách địa phương để bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương. Cụ thể, đa số ý kiến nhất trí với việc hỗ trợ bù hụt thu cho 7 địa phương nhận bổ sung cân đối gồm: Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang, An Giang. Riêng đối với Hải Phòng và Vĩnh Phúc, một số ý kiến cho rằng đây là hai địa phương tự cân đối, có điều tiết về NSTW, vì vậy đề nghị Chính phủ cần xem xét, cân nhắc việc hỗ trợ số hụt thu. Đồng thời đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về tiêu chí, nguyên tắc hỗ trợ 9/24 địa phương hụt thu, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Về khoản hỗ trợ bù giảm thu cho tỉnh Quảng Ninh 200 tỷ đồng, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban này cho rằng, tỉnh Quảng Ninh không thuộc diện được hỗ trợ, nguồn lực tại chỗ của địa phương này đủ để bù đắp số giảm thu, do đó, đề nghị không hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ninh mà bố trí bổ sung để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến tán thành việc thưởng vượt thu 283 tỷ đồng cho 4 địa phương vượt dự toán thu Trung ương giao.
Đa số ý kiến cũng nhất trí việc hỗ trợ đầu tư trở lại cho 2 địa phương (Kiên Giang: 561 triệu, Đồng Tháp: 231 triệu) có cửa khẩu quốc tế đường bộ vượt thu xuất nhập khẩu theo Nghị quyết số 14/2011/QH13 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2012.
Về việc hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ. Riêng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị bổ sung hỗ trợ 200 tỷ đồng từ khoản dự kiến bù hụt thu cho tỉnh Quảng Ninh và số dư còn lại sau khi phân bổ 4.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam sẽ là 479,2 tỷ đồng.
Không ban hành Nghị quyết về việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Cũng trong chiều 14/5, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu nộp ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, đến nay nhiều việc thi hành khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án trước ngày 01/7/2009 còn tồn đọng khoảng 48 nghìn việc tương ứng với số tiền khoảng 700 tỷ đồng.
Nguyên nhân tồn đọng số việc nêu trên chủ yếu do các yếu tố khách quan như: Người phải thi hành án là cá nhân không có tài sản để thi hành án, trong đó có nhiều người thuộc diện chính sách như: Thuộc diện hộ nghèo, gặp thiên tai lũ lụt, dân tộc ít người, người già, cô đơn không nơi nương tựa, người phải thi hành án là thương binh, thân nhân của thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; không xác định được tài sản và nơi cư trú của người phải thi hành án…
Đối với khoảng 48 nghìn việc nêu trên, Chính phủ đề nghị không xét miễn đối với khoảng 1.500 việc, với số tiền còn phải thu khoảng gần 390 tỷ, gồm các trường hợp: Người phải thi hành án phạm các tội về xâm phạm an ninh Quốc gia, các tội tham nhũng và tội trốn thuế (khoảng 250 việc, với số tiền khoảng 38 tỷ đồng). Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ còn lại có giá trị trên 50 triệu đồng (khoảng 1.200 việc với số tiền phải thu khoảng 353 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị miễn thi hành án khoảng 46 nghìn việc, với số tiền khoảng 339 tỷ đồng, bao gồm: Số việc đã hết thời hạn năm năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị đến mười triệu đồng khoảng 29 nghìn việc với số tiền khoảng 108 tỷ đồng. Số việc đã hết thời hạn mười năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị đến năm mươi triệu đồng khoảng 17 nghìn việc với số tiền khoảng 231 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thảo luận có ý kiến đề nghị không nên ban hành Nghị quyết này. Bởi việc bảo đảm hiệu lực thi hành của bản án, quyết định của Tòa án là nguyên tắc hiến định và là yêu cầu căn bản của pháp chế XHCN. Theo Tờ trình, số việc được đề nghị miễn phần lớn thuộc các bản án, quyết định hình sự, nên việc cho miễn phải bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và thi hành án dân sự; nếu Quốc hội cho miễn một số lượng lớn vụ việc không thỏa mãn những điều kiện như quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành, thì có thể tạo ra tiền lệ bất lợi trong việc áp dụng và chấp hành pháp luật, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Mặt khác, về cơ sở pháp lý, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết có liên quan đến quy định của Luật THADS và các luật liên quan (thực chất là sửa đổi một số nội dung của luật hiện hành). Do vậy, nếu cần thiết phải giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì Chính phủ cần nghiên cứu đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Hiện tại, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS đã được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình chính thức năm 2014 (dự kiến cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8). Việc Tờ trình đề nghị ban hành và thực hiện Nghị quyết trong 2 năm, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015 là không phù hợp với mục tiêu, chương trình sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Do đó, không nên đặt vấn đề ban hành thêm Nghị quyết riêng để điều chỉnh vấn đề này, tránh tạo ra sự chồng chéo, xung đột pháp luật.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ không ban hành Nghị quyết mà sẽ sửa Luật Thi hành án dân sự. Từ nay đến năm 2014 khi chưa sửa luật thì việc miễn giảm thi hành án sẽ áp dụng theo điều 61 của Luật hiện hành./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam