Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN
Cử tri hoan nghênh kết quả những kỳ họp gần đây của QH, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mà người dân trông chờ QH có những quyết sách đúng tầm để phát triển đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Người dân vẫn băn khoăn, lo lắng về việc học hành của con cháu, về nội dung chương trình sách giáo khoa, mạng lưới trường, lớp ở các cấp học còn thiếu nhiều, hàng vạn sinh viên ra trường không có việc làm, chưa có trường đại học đẳng cấp quốc tế, rồi tình trạng bạo lực học đường...
Cử tri cũng đề cập một số vấn đề cụ thể như cần sớm phá bỏ độc quyền ngành điện, cần có cán bộ chuyên trách về an ninh năng lượng hạt nhân. Cử tri hoan nghênh nhiều địa phương đã thu hồi đất dự án quy hoạch treo, nhưng cần xử lý nghiêm những cán bộ gây ra tình trạng này...
Cử tri còn băn khoăn về việc QH cho phép thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường và đề nghị QH xem xét kỹ lưỡng chủ trương này, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND và UBND. Một số cử tri thẳng thắn đề nghị giữ nguyên HĐND quận, huyện, phường, ở đâu có chính quyền thì ở đó cần có sự giám sát của nhân dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn, là việc làm cần thiết cả trong Đảng và trong QH. Cử tri trông chờ kết quả tích cực từ chủ trương này, nếu làm tốt thì nội bộ Trung ương và QH đoàn kết hơn, tình thương yêu đồng chí ngày càng gắn bó hơn. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn thời điểm tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nếu chuẩn bị chưa chu đáo, chặt chẽ, sẽ dẫn đến kết quả ngược, lá phiếu tín nhiệm sẽ trở thành lá bùa hộ mệnh, là bằng chứng nhận cho những kẻ thoái hóa biến chất, cơ hội, trình độ năng lực kém nhưng giỏi chạy chọt, vận động, tiếp tục làm hại cho dân cho nước, trong khi những cán bộ trung thực, không chạy chọt thì lại ít phiếu... Cử tri đề nghị các cấp ủy cần lãnh đạo chặt chẽ, không chủ quan, vội vàng, đơn giản ở bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, bất kỳ khâu nào trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước tham gia góp ý, đồng tình. Cử tri hoan nghênh dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1992. Viện dẫn một số quy định về đoàn thể chính trị - xã hội, cử tri đề nghị, Hiến pháp là đạo luật gốc, cần có tầm nhìn xa hơn, khái quát hơn, tránh đi vào cụ thể. Cử tri cũng bày tỏ đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như quy định: Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, kéo dài thời hạn sử dụng đất, bồi thường đất sát với giá thị trường. Tuy nhiên, cử tri đề nghị, đối với các dự án kinh tế - xã hội, không được thu hồi đất mà phải trưng mua. Việc định giá đất nên giao cho một tổ chức độc lập, không giao cho UBND. Giá đất, nhà tái định cư phải thấp hơn giá thị trường, để người dân có điều kiện tái sản xuất, ổn định đời sống.
Cử tri bày tỏ sự ủng hộ cao đối với việc tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, để xây dựng Đảng ta ngày càng trọng sạch vững mạnh, Nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết trong cuộc sống. Qua đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này không chỉ nâng cao nhận thức, hiểu biết, mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của cử tri, đề cập nhiều vấn đề vĩ mô, vừa cấp bách, vừa chiến lược, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cử tri trước sự phát triển của đất nước. Gần đây, QH đã có nhiều đổi mới, nhằm đáp ứng sự quan tâm, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Trước mỗi kỳ họp đều có hàng nghìn ý kiến cử tri gửi đến QH, góp phần vào việc xây dựng chủ trương chính sách, tham gia giải quyết các vấn đề chung của đất nước.
Trao đổi về những vấn đề cử tri nêu, Tổng Bí thư cho biết: dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là vấn đề lớn, quan trọng, đã có quá trình chuẩn bị từ vài năm nay, được tổ chức lấy ý kiến bài bản, sâu rộng trong nhân dân. Đến nay đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, qua đó phát huy cao độ trí tuệ của nhân dân, đồng thời thể hiện lòng yêu nước của nhân dân, đây còn là dịp tuyên truyền sâu rộng về nội dung sửa đổi hiến pháp lần này. Tổng Bí thư chỉ rõ: Rất nhiều ý kiến đóng góp xác đáng đã được tiếp thu; vấn đề nào còn có ý kiến khác nhau, đều được xem xét kỹ lưỡng, giải trình, làm rõ thêm; điểm nào không phù hợp thì kiên quyết đấu tranh phê phán, bác bỏ...
Về thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, QH đã có nghị quyết cho chủ trương làm thí điểm ở một số nơi và đang tổng kết rút kinh nghiệm. Vấn đề này liên quan đến sửa đổi Hiến pháp 1992; hiện cũng còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cấp nào có chính quyền thì cấp đó phải có sự giám sát của nhân dân, như vậy biên chế sẽ phình ra, lại liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp... Đây là vấn đề hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, bài bản, khoa học. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một chủ trương lớn và mới, phải làm thường xuyên, có sự lãnh đạo chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể.
Trước sự băn khoăn của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, liệu có kết quả chính xác? Tổng Bí thư nhấn mạnh đến trách nhiệm của các đại biểu QH, HĐND - những người được cử tri và nhân dân gửi gắm niềm tin, làm sao phải trong sáng, công tâm, khách quan và phải có đủ thông tin... Tổng Bí thư cũng đã chia sẻ với cử tri về công tác cán bộ; tăng cường chức năng giám sát tối cao của QH, giám sát luật pháp, chính sách, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị... Tổng Bí thư mong muốn cử tri tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và xây dựng với Quốc hội, với Đảng và cả hệ thống chính trị.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam