Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3:

Thiêng liêng hai tiếng "đồng bào"

(NTO) Từ ngàn xưa đến nay, ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm là ngày thiêng liêng của con dân nước Việt, là ngày Giỗ Tổ để tưởng nhớ các vị Vua Hùng từ thời hồng hoang đã khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, xây dựng nên giang sơn Việt Nam gấm vóc.

Vậy mới có câu ca lưu truyền:

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba,

Khắp miền truyền mãi câu ca,

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Nhân ngày Giỗ Tổ năm nay, xin luận về hai tiếng “đồng bào” của dân tộc ta.

Trước hết, xin giới thiệu hai tiếng “đồng bào” (thời chưa có chữ viết) là tiếng để chỉ gọi về cộng đồng, cá thể giữa người Việt Nam với nhau. Đây là một dạng thức tiếng nói riêng biệt, độc đáo của dân tộc. Ngôn ngữ các nước (tiếng nói và chữ viết) chỉ số đông cộng đồng thường có các từ: “dân tộc, tộc người, bộ tộc, nhân dân, quần chúng, đại chúng…” không có từ đồng bào; người Trung Hoa dùng từ đồng bào để chỉ anh chị em ruột.

Người Việt Nam khi nghe hai tiếng “đồng bào” cảm thấy thiêng liêng là thế !.

Truyền thuyết truyện Hồng Bàng ghi lại trong sách "Lĩnh Nam chích quái" thời nhà Trần viết rằng: "Âu Cơ kết hôn với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Về sau, Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ; năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi. Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương."

Đồng bào có nghĩa nôm na là “cùng một bọc/ bào thai”, truyền thuyết các dân tộc khác chưa thấy xuất hiện sự giải thích nguồn gốc chung dân tộc như trên nên tiếng đồng bào ở họ không dùng để chỉ cả dân tộc.

Vì thế, có những trường hợp tiếng “đồng bào” được dùng rất chính xác và thiêng liêng đến độ người nghe, người đọc cảm động vô cùng. Đó là Bác Hồ dùng khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Câu đầu tiên Bác đọc đã có “đồng bào”:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nửa chừng Bác lại hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.

Hoặc năm 1946, khi viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cũng viết câu đầu tiên: “Hỡi đồng bào cả nước! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...”.

Có lẽ hơn ai hết, Bác Hồ dùng tiếng “đồng bào” nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của Người.

Đến cuối đời, khi viết Di chúc, Bác rất nhiều lần dùng từ đồng bào: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Quả thật thiêng liêng hai tiếng “Đồng bào”.

Để kết thúc bài này xin dẫn đoạn thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ và hai tiếng “đồng bào”:

Người đọc Tuyên ngôn rồi chợt hỏi:

Đồng bào nghe tôi nói rõ không ?

Ôi ! Câu hỏi hơn một lời kêu gọi,

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng !

Cả muôn triệu một lời đáp: Có !

Như Trường Sơn say gió biển Đông.