Phong phú thị trường Tết

(NTO) Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, thị trường mua sắm đã bắt đầu sôi động. Ở một số chợ đầu mối, các cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại trong tỉnh, lượng hàng hóa về ngày một nhiều hơn với các chủng loại phong phú, đa dạng.

Như dự đoán được trước tình hình thị trường ở thời điểm này, các doanh nghiệp đã tung ra nhiều mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ chính trong dịp Tết như: Gạo nếp, gạo tẻ, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, chè, thuốc lá, quần áo may sẵn… với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, giỏ quà được trưng bày bắt mắt và
đã sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân trong tỉnh.

Tại Cửa hàng tạp hóa Hiệp Hòa (chợ Phan Rang), bánh kẹo, mứt, rượu, bia, giỏ quà… được trưng bày khá bắt mắt, đã sẵn sàng cho nhu cầu mua sắm của các “thượng đế”. Cô Diệp Thị Hòa, chủ cửa hàng chia sẻ: Hàng hóa bây giờ chủ yếu trưng lên cho có không khí để thu hút khách, người mua chủ yếu là bạn hàng lấy mối về bán, chứ người dân đi mua sắm tết thì chưa nhiều. Do thói quen mua sắm tết của người dân những năm gần đây đã thay đổi, thay vì mua sớm về tích trữ trong nhà thì nay đến sát Tết họ mới bắt đầu mua sắm. Lượng hàng hóa sắm Tết cũng không nhiều so với trước, vì thực phẩm hiện nay rất nhiều, có thể mua dễ dàng ngay sau Tết. Theo dự đoán, khoảng 20 tháng chạp trở đi không khí mua sắm Tết trên thị trường mới sôi động. Các sản phẩm bánh kẹo, mứt, rượu bia… phục vụ Tết nói chung vẫn đa dạng và phong phú từ bình dân đến cao cấp, giúp người tiêu dùng thoả sức lựa chọn, nhưng năm nay các mặt hàng thương hiệu nổi tiếng do Việt Nam sản xuất như Kinh đô, Hải Hà, Bibica, Tràng An.... chiếm trên 90%  tại các cửa hàng ở các chợ truyền thống khác như Tháp Chàm, Phước Mỹ, Chợ Động và các đại lý, quầy bán lẻ trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Nhìn chung, giá của các sản phẩm bánh, kẹo, mứt năm nay không tăng hơn so với năm trước; các loại mứt gừng, bí, mãng cầu…có giá từ 80-170.000đ/kg tùy theo loại; hạt dưa 95.000đ/kg. Ngoài các mẫu mã cũ, các công ty bánh kẹo như: Bibica, Kinh Đô… cũng đã cho ra mắt nhiều mẫu mã mới bằng hộp giấy có quai xách, hoặc hộp thiếc trông rất sang trọng và lịch sự với giá thành từ 30.000 - 200.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và trọng lượng. Nhờ vậy, năm nay, các loại bánh kẹo nội đã đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày tết và có thể làm quà biếu, nên đồ uống vẫn là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát đều tăng giá, với mức chênh lệch so với trước đó bình quân từ 10 – 20 ngàn đồng/thùng tùy loại, như bia Heineken hiện có giá 365.000/thùng, bia Tiger 285.000/thùng, Coca cola 170.000/thùng, Pepsi 154.000/thùng.

Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương dự đoán, năm nay tuy sức mua yếu hơn năm ngoái nhưng vẫn tăng khoảng 10-15% so với thời điểm trong năm, giá hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đang có dấu hiệu “nóng” dần lên theo khoảng cách rút ngắn từ nay tới tết. Cụ thể thịt bò loại 1 hiện có giá 190.000/kg, thịt đùi heo 80.000 đồng/kg, nạc thăn 90.000đồng/kg, trứng vịt 4.000đồng/quả, trứng gà ta 3.500đồng/quả. Đây là điều hoàn toàn bình thường vào thời điểm mùa tết, nên người dân đón nhận chuyện tăng giá có vẻ nhẹ nhàng hơn. Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Bảo An (Phan Rang – Tháp Chàm), cho biết: Tăng giá thì tết nào cũng có, vì nhu cầu tiêu dùng của mỗi gia đình đều tăng cao. Tuy nhiên, thấy năm nay các mặt hàng tiêu dùng phong phú hơn, mẫu mã cũng đẹp hơn, nhiều sản phẩm đề tên hàng Việt Nam dễ dàng lựa chọn và yên tâm về chất lượng hơn.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất vẫn là chất lượng và giá cả. Do kinh doanh trong những ngày Tết luôn mang lại lợi nhuận cao, nên nhiều đối tượng buôn bán đã lợi dụng cơ hội này để kinh doanh trái pháp luật dưới nhiều hình thức: buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà sản xuất và người tiêu dùng, gây biến động giá cả thị trường

Trao đổi về vấn đề này, Ông Trần Minh Khoa, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để ngăn chặn việc buôn bán hàng cấm, hàng giả nhập lậu, hàng kém chất lượng… hơn một tháng nay đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng bám sát địa bàn để theo dõi các điểm chứa hàng, các xe chở hàng hóa và các cửa hàng kinh doanh để có thể phát hiện những hành vi phạm pháp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại - dịch vụ để có những biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, cũng cử cán bộ tham gia đội kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý triệt để các hành vi gian lận thương mại, trong đó tập trung chủ yếu và các mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.