Ngành Ngân hàng: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh kinh doanh, tăng trưởng tín dụng

(NTO) Năm 2012, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời và quyết liệt các cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của ngành nên hoạt động ngân hàng phát triển ổn định, an toàn và có sự tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Với cơ chế điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần của NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã tăng cường nhiều biện pháp để khai thác tối đa nguồn vốn tại chỗ với nhiều hình thức hấp dẫn nên nguồn vốn huy động vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng nguồn huy động vốn trên địa bàn đạt 5.120 tỷ đồng (tăng 26,45%), vượt 1,9% kế hoạch, đáp ứng trên 74% nguồn vốn cho vay của các TCTD trên địa bàn. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 67,19%; tiền gửi tổ chức kinh tế, chiếm 22,07%; phát hành giấy tờ có mệnh giá, chiếm 10,74%.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn.
Ảnh: Văn Miên

Trong năm các TCTD tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, giảm dần tỷ trọng cho vay phi sản xuất. Tổng doanh số cho vay 13.000 tỷ đồng (tăng 8,33% so với năm 2011). Trong đó, vốn vay ngắn hạn chiếm 80,8%; vốn vay trung, dài hạn chiếm 19,2%. Doanh số thu nợ ước đạt 11.985 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2011. Trong đó vốn ngắn hạn chiếm 81,9%; vốn trung, dài hạn chiếm 18,1%. Trong năm, các NHTM đã nhận được 48.561 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, tăng 3.327 hồ sơ; đã giải quyết cho vay 48.515 hồ sơ, đạt 99,91%; trong đó khách hàng là doanh nghiệp và hộ sản xuất chiếm trên 92%.

Thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, NHNN đã xây dựng cơ chế tín dụng đặc thù đối với những ngành, lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp nhu cầu vay vốn. Trong năm, nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 1.900 tỷ đồng, tăng 21,33% so với cuối năm trước. Ngoài ra các TCTD cho vay chương trình Xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm là 480 tỷ đồng, phục vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở, vốn hộ nghèo, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường...

Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường”, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay cho những khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất cho vay với hợp đồng tín dụng đã giải ngân, cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, với tổng nguồn vốn 8.657 tỷ đồng. Nhờ vậy các doanh nghiệp có điều kiện cơ cấu lại phương án kinh doanh, tái đầu tư để vượt qua khó khăn tiếp tục kinh doanh, sản xuất.

Trong năm, chất lượng dịch vụ ngân hàng đã được cải thiện rõ nét. Cùng với dịch vụ ATM, nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích đã được ứng dụng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng với phạm vi mở rộng tới mọi đối tượng cá nhân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số lượng thẻ phát hành đạt 185.000 thẻ, trong đó thẻ quốc tế 4.100 thẻ (tăng 24,65%). Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được chú trọng đầu tư, có 49 máy ATM phân bổ đều khắp các huyện, thành phố trong tỉnh; 72 máy POS đã kết nối liên thông, được lắp đặt tại các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng và các khu trung tâm mua sắm tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán.

Ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho biết:”Trong năm 2013, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh kinh doanh nhằm tăng trưởng tín dụng cao.”. Theo đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất hiện hành; đảm bảo hài hòa lợi ích người gửi tiền và khách hàng vay, ổn định thị trường tiền tệ và tạo điều kiện cho việc tăng cường huy động vốn, đảm bảo đáp ứng đủ vốn đầu tư tín dụng cho nền kinh tế địa phương.... Tiếp tục giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và mức giảm của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tập trung vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ và những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương thông qua việc thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD. Phát triển đa dạng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn ngành phấn đấu huy động vốn tăng tối thiểu 22%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18% - 20%, tỷ lệ nợ xấu dưới 5%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng tối thiểu 30%.