Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn

(NTO) Năm 2012, nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại các vùng nông thôn trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, qua đó, góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp (DN) tổ chức 41 chuyến “Đưa hàng Việt về nông thôn”, 2 phiên chợ hàng Việt về các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận với hàng Việt.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn.
Ảnh: Văn Miên

Tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) từ ngày 4 đến 6-12, bày bán nhiều sản phẩm hàng Việt thiết yếu: điện tử, điện gia dụng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ dùng học tập… được người dân địa phương tích cực đón nhận. Bên cạnh sự phong phú về hàng hóa, nhiều mặt hàng ở đây còn có chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kèm theo quà tặng hoặc giảm giá từ 10 đến 40% nên thu hút đông người mua. Chị Đậu Thị Kim Tuyết, thôn Hạnh Trí 1, xã Quảng Sơn, chia sẻ: Hàng hóa bán tại đây không chỉ có chất lượng cao mà giá còn rẻ hơn thị trường bên ngoài. Hơn nữa, mình có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều phiên chợ cũng làm nhiều người ngạc nhiên trước giá cả và chất lượng được bảo đảm của các sản phẩm nội địa. Gặp Chị Ka-tơ Thị Sánh, ở thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại, tại Hội chợ Hàng Việt về nông thôn, miền núi tổ chức tại Bác Ái vào tháng 8 vừa qua, chị cho hay: “Một gói bột giặt OMO 4,5kg ở ngoài chợ có giá bán 190.000đồng, nhưng tôi mua ở đây được giảm giá chỉ còn 150.000 đồng, lại còn được tặng kèm thêm một sọt nhựa nữa. Bà con mình mong có thêm nhiều phiên chợ như thế này.”

Có thể thấy, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất đưa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh rất được ưa chuộng, bởi tại đây, người tiêu dùng (NTD) có cơ hội mua được hàng đúng giá, được nhân viên bán hàng giới thiệu, tư vấn về các sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giúp NTD hiểu hơn về hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại các phiên chợ không phải là lý do chính khiến các DN tích cực tham gia chương trình. Do đặc thù của từng địa phương, ở những vùng sâu, vùng xa bà con sống không tập trung, nên việc tìm địa điểm thuận lợi và tuyên truyền còn gặp khó khăn, mặt khác một số hàng giả, hàng nhái được bày bán trong các chợ nông thôn làm tác động đến giá cả các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Anh Nguyễn Hoài Linh, Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên, cho biết, có những chuyến hàng về vùng sâu, vùng xa chi phí vận chuyển rất cao mà sức mua sắm bà con nơi đây còn hạn chế, nhưng chúng tôi vẫn tham gia. Thực chất, phiên chợ là dịp để DN nỗ lực hơn nữa trong quá trình thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ các sản phẩm của công ty. Mặt khác, thông qua phiên chợ, chúng tôi tổ chức được hệ thống bán lẻ phù hợp để thường xuyên đưa hàng có chất lượng về phục vụ cho bà con.

Có thể thấy, việc tổ chức những phiên chợ trong thời gian qua đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của DN đối với đời sống người dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa có thị trường hàng tiêu dùng còn hạn chế. Đồng thời cũng là cơ hội để các DN tìm kiếm thị trường mới, mở rộng hệ thống phân phối, đánh giá và hiểu được tâm lý người tiêu dùng, từ đó đưa ra kế hoạch phân phối hàng hóa sao cho hợp lý với từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không những nâng cao ý thức tự hào, tự tôn dân tộc mà đã góp phần ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Với đặc thù của tỉnh ta thì miền núi, nông thôn là thị trường tiềm năng, việc tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn là điều cần thiết. Để tăng cường giới thiệu, quảng bá hàng Việt đến với vùng nông thôn, thu hút số lượng lớn NTD ưu tiên dùng hàng Việt, các DN cần phải tính đến những giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn, không chỉ là việc tổ chức theo đợt và theo từng chuyến xe hàng về từng địa phương như lâu nay. Nên tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn có thể thông qua hệ thống cửa hàng thương mại tại trung tâm các huyện hoặc hệ thống cửa hàng thương mại các xã. Các điểm bán hàng này cần được đầu tư nhiều hơn để trở thành địa chỉ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm Việt.