Ngày 29/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ khảo sát về tình hình cổ phần hóa nông trường quốc doanh tại Công ty Cổ phần Việt Mông (Ba Vì, Hà Nội) và Công ty Cổ phần Chè Long Phú (Quốc Oai, Hà Nội).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá các công ty sau khi cổ phần hóa đều ổn định sản xuất,
hoạt động tương đối hiệu quả so với thời điểm trước đó. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Công ty Cổ phần Việt Mông tiền thân là Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ. Tại thời điểm cổ phần hóa năm 2007, vốn điều lệ của Công ty là hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiếm 20%.
Sau cổ phần hóa, đại hội đồng cổ đông của công ty đã quyết định tăng vốn điều lệ lên 15 tỷ đồng. Sau khi đại diện sở hữu phần vốn nhà nước bán thành công cổ phần, đến nay không còn phần vốn nhà nước tại công ty Cổ phần Việt Mông.
Công ty đã tiến hành đầu tư nhà máy sản xuất chè đen xuất khẩu với công suất chế biến 25-30 tấn chè búp tươi/ ngày và 1 dây chuyền sản xuất chè xanh công suất 15 tấn/ ngày. Nhà máy mới xây dựng đã tiêu thụ được hầu hết nguyên liệu chè búp tươi cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực, duy trì việc làm cho gần 300 cán bộ, nhân viên. Từ năm 2007 đến nay, công ty đã xuất khẩu thành công gần 15.000 tấn chè đen, đạt giá trị khoảng 30 triệu USD.
Công ty Cổ phần Chè Long Phú được cổ phần hóa từ Nông trường Chè Long phú vào năm 2009, tổng giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là hơn 11,1 tỷ đồng, trong đó nhà nước chiếm 44,7%, còn lại là cổ phần bán đấu giá và ưu đãi cho người lao động.
Đến nay, phần vốn sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp vẫn giữ nguyên, tuy nhiên tỷ lệ vốn do người lao động sở hữu chỉ còn hơn 5%, còn lại do cổ đông bên ngoài nắm giữ.
Sau cổ phần hóa, Công ty đã chủ động đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, tuy nhiên do gặp khó về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, kết quả sản xuất kinh doanh không thực sự cao. Trong hai năm 2009-2010, Công ty lỗ hơn 320 triệu đồng, năm 2011 hòa vốn.
Theo báo cáo, hạn chế lớn nhất sau cổ phần hóa tại cả 2 đơn vị chính là vấn đề quản lý sử dụng đất.
Cả 2 đơn vị đều gặp khó khăn trong việc lập bản đồ hiện trạng đất, đo vẽ bản đồ, đối chiếu số liệu sổ sách và thực tế đo đạc với từng hộ. Chính vướng mắc này khiến hai đơn vị chưa hoàn thiện được các thủ tục thuê đất và thu hồi đất theo phương án cổ phần hóa.
Tại Công ty Cổ phần Việt Mông, việc tiếp nhận đất đai từ Nông trường Việt- Mông chỉ được tiến hành theo số liệu ghi trên sổ sách mà không thể tiến hành bàn giao trên thực địa, diện tích đất bàn giao cũng không thực sự cụ thể, rõ ràng và không có các giấy tờ, hồ sơ pháp lý đầy đủ theo quy định.
Đặc biệt, tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, san ủi, đào đắp, vận chuyển làm biến dạng địa hình, chuyển nhượng đất trái phép, xâm lấn, vi phạm hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp đã xảy ra khá nhiều nhưng chưa được xem xét giải quyết rõ ràng, dứt điểm.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, địa phương nhanh chóng
tham mưu cho Chính phủ những giải pháp để quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả đất đai của
các nông trường quốc doanh trong quá trình cổ phần hóa. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Kiên quyết chấm dứt vi phạm đất đai
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, qua khảo sát tại công ty Cổ phần Việt Mông và Công ty Cổ phần Chè Long Phú cũng như tại một số đơn vị khác trên cả nước, có thể khẳng định chủ trương cho thí điểm cổ phần hóa nông trường quốc doanh là đúng đắn.
Sau khi cổ phần hóa, các công ty đều ổn định sản xuất, hoạt động tương đối hiệu quả nếu so với thời điểm trước đó, đời sống của người lao động bước đầu được đảm bảo. Bên cạnh đó, các công ty đã quản lý hiệu quả phần đất đai trong phạm vi được giao.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh, vấn đề quản lý đất đai là vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển đổi từ nông trường quốc doanh sang mô hình công ty cổ phần. Thực tế triển khai cho thấy vẫn tồn tại những “khoảng trống” về pháp lý liên quan đến quản lý đất đai khi thực hiện thí điểm cổ phần hóa nông trường quốc doanh. Chính từ những “khoảng trống” đó, cộng với việc không chủ động đề phòng, không phát hiện sớm để xử lý đã khiến những vi phạm, lấn chiếm đất đai ngày càng phức tạp.
Trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các công ty cổ phần và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để kiên quyết dừng ngay việc tiếp tục lấn chiếm, vi phạm, xây dựng trái phép.
Bên cạnh đó, các Bộ, địa phương cần nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ những giải pháp để quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả đất đai của các nông trường quốc doanh trong quá trình cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát trực tiếp đến các nông trường đã tiến hành thí điểm cổ phần hóa để tìm hiểu, nắm bắt những thông tin một cách trực tiếp, sâu sát nhất. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan một cách phù hợp.
Nguồn www.chinhphu.vn