Theo tìm hiểu, ngoại trừ 80% các DN trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại-dịch vụ nên tình hình việc làm và lao động không ổn định (DN có dưới 10 lao động). Còn lại, khoảng 20% DN đủ điều kiện thành lập CĐCS nhưng có đến một nửa DN chưa có CĐCS; cá biệt có nhiều DN sử dụng trên 50 công nhân, dù đã nhiều lần được vận động nhưng vẫn không tham gia.
Dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty TNHH Nam Thành. Ảnh: Văn Miên
Tỷ lệ DN có tổ chức công đoàn đạt thấp, kéo theo hàng chục ngàn lao động không được tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Trong khi đó, nếu thành lập Công đoàn, DN phải thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn 1% trong tổng tiền lương của đoàn viên và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ DN. Mặt khác, dù có đông lao động, nhưng chỉ thực hiện ký kết hợp đồng lao động với một số chức danh chủ chốt như kế toán, trợ lý giám đốc… còn các lao động phổ thông thì chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng, theo thời vụ hoặc thậm chí không thực hiện ký kết hợp đồng lao động. Đây cũng là cách để DN “né” luật không phải thành lập tổ chức công đoàn, lại khỏi phải đóng một khoản tiền lớn thực hiện các chế độ như: BHXH, BHYT… cho người lao động.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, để tình trạng này kéo dài còn có sự vào cuộc thiếu đồng bộ của các ban, ngành chức năng. Trong đó, có những hạn chế xuất phát từ hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đoàn viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo và chưa giúp cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền vận động người lao động gia nhập công đoàn và vận động, thuyết phục chủ sử dụng lao động tạo điều kiện thành lập CĐCS chưa được tập trung cao độ, cách làm chậm đổi mới, thiếu tính cụ thể. Ngoài ra, công tác kiểm tra, khảo sát của một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa cụ thể, thường xuyên, nên không nắm bắt được tình hình để có những chỉ đạo, định hướng sát sao; năng lực một số cán bộ trong hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết 20 (khoá X) của Đảng về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nêu rõ: “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội tại DN phù hợp với từng thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các DN...” Hơn bao giờ hết, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần nhanh chóng thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII làm mục tiêu, cơ sở thực hiện các chính sách, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, phát triển tổ chức công đoàn - nhất là trong DN.
Để góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo gặp gỡ, tiếp cận với các chủ sử dụng lao động, người lao động để tuyên truyền những kiến thức cơ bản về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và vận động chủ DN, người lao động tham gia thành lập tổ chức công đoàn. Tại các DN đã thành lập tổ chức công đoàn, cần tăng cường phát huy vai trò là tổ chức đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tổ chức nhiều phong trào thi đua, tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh... từng bước tạo niềm tin của người lao động và người sử dụng lao động vào tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong DN, tạo sự tin cậy đối với những đơn vị khác chưa thành lập được tổ chức công đoàn. Công đoàn các cấp cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, ổn định, hài hòa trong DN...
Ông Thái Văn Thuyết,Trưởng Ban Công tác cơ sở, LĐLĐ tỉnh:LĐLĐ tỉnh xác định việc phát triển tổ chức CĐCS ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, để thực hiện mục tiêu năm 2013 là có ít nhất 80% doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, nâng tỷ lệ đoàn viên đạt trên 75% trên tổng số công nhân lao động; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. LĐLĐ tỉnh chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành lập các Ban chỉ đạo vận động thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên trên cơ sở lập kế hoạch khảo sát hoạt động của các doanh nghiệp, tìm hiểu nắm bắt tâm lý của chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, số lượng lao động, thu nhập bình quân đầu người; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn những kiến thức cơ bản của pháp luật về lao động cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, nhằm nâng cao nhận thức, thuyết phục các chủ doanh nghiệp, người lao động tham gia xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn.
Ông Hồ Việt, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Mía đường Phan Rang:Hiện 136 cán bộ, công nhân lao động của Công ty đều là đoàn viên Công đoàn. Mặc dù luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực cố gắng và lòng nhiệt tình, chúng tôi luôn tích cực vận động người lao động tham gia các phong trào thi đua, góp phần đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. BCH Công đoàn Công ty luôn đồng hành với Ban Giám đốc trên mọi phương diện như: cơ cấu lại mô hình tổ chức, sắp xếp lại nhân lực, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Từ năm 2002 đến nay thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước 10%; các chế độ chính sách đối với người lao động luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật như: tiền lương, tiền thưởng, khám sức khỏe định kỳ; tổ chức tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; trợ cấp khó khăn, thăm hỏi người lao động khi khó khăn, hoạn nạn... Ngoài việc nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm cho người lao động, Công ty còn mua bảo hiểm thân thể, chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ khi bị ốm đau, tai nạn… vì vậy người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với Công ty.
Chị Nguyễn Thị Hương, Công nhân CTy TNHH May Tiến Thuận: Trên thực tế, người lao động làm việc tại các DN ngoài khu vực Nhà nước thường dễ bị xâm phạm quyền lợi hơn so với người lao động ở các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy đòi hỏi những cán bộ Công đoàn phải là những người năng động, nhiệt tình, có bản lĩnh, quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Nếu làm tốt điều này, tôi tin chắc rằng, việc phát triển Công đoàn tại các DN ngoài khu vực Nhà nước sẽ có sức lan toả lớn, thu hút đông đảo sự tham gia của người lao động. Vấn đề là Công đoàn phải đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò thông qua giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động… chắc chắn Công đoàn sẽ thu hút ngày càng nhiều công nhân, người lao động, DN tham gia xây dựng tổ chức công đoàn.
Xuân Bính - Dạ Nguyệt