Đây là một nội dung quan trọng được nêu ra trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, diễn ra sáng 21/5 tại Hà Nội.
Chỉ có 15/22 chỉ tiêu đạt Kế hoạch
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Kỳ họp thứ 2, Chính phủ đã báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và ước thực hiện 3 tháng cuối năm 2011; Ủy ban Kinh tế đã trình Quốc hội báo cáo thẩm tra, trong đó dự kiến 16/22 chỉ tiêu đạt và vượt Kế hoạch. Đến nay, đánh giá lại kết quả thực hiện, có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của Quốc hội, so báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, có thêm 1 chỉ tiêu không đạt.
Sau khi đánh giá khái quát kết quả thực hiện, phân tích nguyên nhân thành công trong điều hành, phát triển kinh tế thời gian qua, một số ý kiến cho rằng, lạm phát cao đã tác động lớn đến sản xuất và đời sống. Trong Báo cáo có nêu nguyên nhân là do cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm, nhưng đề nghị cần đánh giá một cách toàn diện hơn, vì trong vài năm qua, với các nguyên nhân này mà kiểm soát lạm phát vẫn chưa ổn định, có năm rất cao, có năm lại thấp.
Đối với quản lý ngân sách, mặc dù áp dụng cắt giảm chi thường xuyên 10%, chi ngân sách năm 2011 vẫn vượt 13,8% so với dự toán và hơn 28,58% so với năm 2010 (so với 642,2 nghìn tỷ đồng), trong đó chi đầu tư phát triển đã tăng 27,5% so với dự toán, chủ yếu là tăng chi đầu tư do tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Một số ý kiến đề nghị cần xem xét, báo cáo về chất lượng công tác lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, tính bền vững của các nguồn thu, vấn đề kỷ luật ngân sách. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục dành thêm một phần vượt thu để ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống mức thấp hơn.
Một số ý kiến cho rằng, cần có đánh giá toàn diện hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thuế, về mức độ, liều lượng, thời điểm áp dụng đã được thực hiện trong năm 2011; đồng thời đánh giá, phân tích nguyên nhân dư nợ tín dụng tăng khá thấp so với mức kế hoạch về định hướng chính sách, việc áp dụng chính sách lãi suất cho vay và nguyên nhân các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; hàng tồn kho tăng cao, suy giảm năng lực tài chính của doanh nghiệp và gia tăng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Đánh giá, phân tích sâu, kỹ vì sao khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng thấp, cả năm chỉ đạt 5,53%. Đặc biệt, GDP khu vực công nghiệp quý IV so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,08%, là mức rất thấp so với những năm trước đó. Với tình hình có đến 53.792 doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 24,7% so với năm 2010 cho thấy những khó khăn đối với việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm mới và gây áp lực gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Một số ý kiến đề nghị đánh giá thực chất số doanh nghiệp phá sản, giải thể ngừng hoạt động, nhất là những tác động tiêu cực đến đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu hút số lượng lao động trong năm 2011 và mức độ ảnh hưởng những năm tiếp theo.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, mặc dù chỉ tiêu giảm nghèo đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách và tình trạng tái nghèo có chiều hướng gia tăng. Chi phí y tế tăng nên người dân vẫn phải chi trả khoảng 50% cho việc khám chữa bệnh; vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh gặp nhiều khó khăn, bệnh viện chuyên khoa ở Trung ương chỉ đạt 78%, cùng với việc cắt giảm đầu tư công đã dẫn tới đầu tư dở dang một số công trình bệnh viện, gây lãng phí. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện công (150%-200%) vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội, một số dịch bệnh chưa được ngăn chặn triệt để. Việc thực hiện nhiệm vụ, bố trí ngân sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn bộc lộ một số hạn chế: hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí chưa cao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc phân bổ, sử dụng còn bất cập; việc xây dựng và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ gặp nhiều khó khăn, đa số địa phương chưa thành lập được quỹ này; rất ít doanh nghiệp dành 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển khoa học và công nghệ.
Một số ý kiến lo ngại về một số vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân xử lý chưa dứt điểm, chưa đúng pháp luật gây bức xúc trong xã hội; vẫn còn tình trạng lợi dụng các vụ khiếu kiện đông người về đất đai, các vụ đình công để kích động biểu tình, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội. Việc xử lý các hành vi xâm hại môi trường còn nhẹ, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra nhiều, có tình trạng dân sự hóa quan hệ hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm và không thu hồi được tài sản trả cho người bị hại. Tình trạng tham nhũng chưa có khuynh hướng giảm; kết quả thanh tra, kiểm toán tuy đã phát hiện được nhiều tiêu cực, tham nhũng gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước nhưng việc xử lý còn nhẹ, nặng về xử lý hành chính.
Theo đánh giá chung của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 là rất quan trọng, là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với một số chỉ tiêu chủ yếu không đạt, trong đó đáng chú ý có 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng thực hiện thấp so với Kế hoạch, chưa tạo đà cho 4 năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; cùng với chỉ tiêu tạo việc làm mới thấp hơn mức kế hoạch, số liệu về lượng hàng tồn kho và số doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng lên cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho năm 2012, nhất là quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đang trong giai đoạn chuẩn bị, nền kinh tế nước ta chưa tạo được bước đột phá về công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư, nguồn vốn huy động cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng trong điều kiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều thách thức.
Trong điều kiện đang tiến hành khởi động mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, việc xử lý giữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2012 đặt ra yêu cầu kết hợp thật chặt chẽ, liên tục giữa các cơ chế, chính sách, giải pháp trước mắt và cho cả trung, dài hạn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất hơn để phát huy tối đa sức mạnh nội lực của cả đất nước, trong đó duy trì và củng cố niềm tin, kịp thời thông tin chính xác, đưa ra các tín hiệu chính sách vĩ mô đúng để định hướng thị trường và tạo điều kiện cho thị trường tự vận động theo quy luật khách quan là yếu tố quan trọng.
Hầu hết ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, đề nghị tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cho năm 2012, nhưng cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động.
Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012
Báo cáo về một số kiến nghị về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các thành viên Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất trí với nội dung Báo cáo của Chính phủ, chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu nhưng đề nghị Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Đa số ý kiến đề nghị cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết của Quốc hội; cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2012 trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục kiên định với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Thực hiện các biện pháp triệt để tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tình trạng tồn đọng hàng hóa; Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực đã triển khai; Khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường hiệu lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; Tiếp tục đẩy nhanh triển khai các chính sách liên quan đến vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp tập trung, các làng nghề; Tăng cường công tác đối ngoại, quan tâm mở rộng thị trường, tập trung xúc tiến thương mại nhằm khôi phục các thị trường truyền thống và mở thêm các thị trường mới nhiều tiềm năng; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn lao động... kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam