Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau của các dự án luật như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Biển Việt Nam, Luật Giá, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giám định tư pháp, Luật Quảng cáo, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phiên họp thứ 7 của UBTVQH. Ảnh: KT
UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật, về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ nghe 2 đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng và việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phân biệt mức phạt giữa cá nhân và tổ chức
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, khi trình dự luật, ban soạn thảo đề xuất mức phạt tối thiểu là 50 nghìn đồng và tối đa là 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau về mức phạt tiền nên đưa 2 phương án để xin ý kiến UBTVQH. Cụ thể, phương án 1: “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác”.
Phương án 2: “Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại luật khác”.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra dự án đề nghị chọn Phương án 1.
Phương án 1 cũng được nhiều thành viên UBTVQH đồng ý lựa chọn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, trong thực tế, nếu cá nhân vi phạm hành chính thì tính chất nguy hiểm thường thấp hơn so với các tổ chức lớn vi phạm. Vì vậy, để đảm bảo phòng ngừa và răn đe, nên quy định theo hướng có sự phân biệt giữa cá nhân với tổ chức như phương án 1 của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đồng ý với lập luận của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và nhất trí chọn phương án 1. Tuy nhiên, ông cho rằng, nên cân nhắc mức xử phạt giữa cá nhân và tổ chức. “Phạt tổ chức gấp đôi cá nhân thì vẫn là thấp, thực tế với nhiều tổ chức phạt 2 tỷ thì chẳng thấm tháp gì và họ vẫn sẽ tiếp tục vi phạm” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng thống nhất chọn phương án 1.
Giao HĐND quy định mức phạt để đảm bảo tính linh hoạt?
Quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương là vấn đề được quan tâm thảo luận.
Cơ quan thẩm tra và đa số thành viên UBTVQH tán thành quy định của dự thảo luật là cho phép xử phạt tối đa không quá 2 lần đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị bổ sung một số thành phố lớn khác như Nha Trang, Hạ Long, Huế… vào danh sách này mà không chỉ bó hẹp tại 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành mức phạt tiền cao hơn trong một số lĩnh vực ở một số thành phố lớn. Tuy nhiên, ông lo ngại, mức phạt càng cao bao nhiêu thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông đề nghị phải quy định rõ, cụ thể trong Luật để “chặn” hiện tượng trên.
Thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn cũng là nội dung được các thành viên UBTVQH thảo luận.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, trong trường hợp quy định tăng mức phạt cao hơn không quá hai lần tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, thì nên giao Chính phủ thẩm quyền quy định để bảo đảm tính thống nhất giữa các địa phương. Bởi vì, theo quy định của dự thảo Luật (khoản 18, khoản 19, Điều 24) đã giao Chính phủ quy định mức phạt tiền trong các lĩnh vực, hơn nữa ở nước ta đã có thời kỳ giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phạt tiền theo Pháp lệnh năm 1989 dẫn đến nhiều bất cập và đã phải bãi bỏ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, nên giao HĐND thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phạt tiền cao hơn nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, cũng là để các địa phương thi đua nhau trong việc giữ gìn an ninh trật tự, sạch đẹp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nên giao cho HĐND thành phố quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng chỉ mở rộng với các thành phố loại 1 trực thuộc trung ương.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam