Hành trình từ hạt muối
Năm 2006, BIM Group đặt chân đến với Ninh Thuận, bắt đầu từ lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là sản xuất muối.
Tại đây, doanh nghiệp (DN) không chỉ mang tâm thế của một nhà đầu tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển mà còn mang theo sứ mệnh vực dậy ngành muối Ninh Thuận sau thời gian dài hoạt động thiếu hiệu quả. Cánh đồng muối Quán Thẻ khi ấy chỉ có khoảng hơn 400 hecta ở phía Đông đường quốc lộ 1A. Còn ở trục phía Tây chỉ là những cánh đồng sỏi đá, khô cằn. Mặc dù thấy rõ những khó khăn, thách thức nhưng Cố Chủ tịch BIM Group Đoàn Quốc Việt và đội ngũ cán bộ tỉnh Ninh Thuận khi ấy vẫn quyết tâm học hỏi mô hình, đem công nghệ từ nước ngoài vào để triển khai thực hiện. Chỉ sau 3 năm, cánh đồng muối Quán Thẻ hình thành, quy mô diện tích lên tới hơn 1.300 ha, trở thành 1 trong 3 đồng muối lớn nhất Đông Nam Á, vượt xa kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Chính phủ.
BIM Group đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất muối. Ảnh: Văn Nỷ
Với định hướng nâng cao giá trị hạt muối Ninh Thuận, DN áp dụng dây chuyền công nghệ thiết bị và công nghệ sản xuất muối tiên tiến từ Tây Ban Nha; cơ giới hoá tối đa các công đoạn khai thác trên quy mô lớn. Đặc biệt, tại Ninh Thuận, BIM Group là đơn vị tiên phong thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công công nghệ làm muối trên nền bạt bằng vật liệu HDPE, giúp cho các DN, diêm dân địa phương thay đổi tư duy, phương thức làm muối, tạo ra bước đột phá về quy trình, sản lượng, chất lượng cho ngành muối địa phương. Tỉnh Ninh Thuận từ đó cũng đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ làm muối truyền thống trên nền đất sang làm muối trên nền bạt HDPE như cách mà BIM Group đã làm.
BIM Group đầu tư làm muối trên nền bạt HDPE ở Phước Minh (Thuận Nam).Ảnh: Văn Nỷ
Bà Trần Thị Tân, xã Tri Hải (Ninh Hải), trở thành hộ dân đầu tiên mạnh dạn áp dụng công nghệ này. Bà Tân cho biết: Năm 2010, tôi thực hiện thử nghiệm với diện tích 300 m2. Chỉ một thời gian ngắn đã cho thấy hiệu quả. Hạt muối trắng tinh, rắn chắc, tỷ lệ tạp chất rất thấp, hàm lượng Natriclorua đạt cao, sản lượng tăng thêm 20- 25% so với cách làm muối truyền thống. Từ hiệu quả ban đầu, đến nay, tôi đã nhân rộng, áp dụng trải bạt toàn bộ 5 ha sản xuất muối của gia đình.
Tính đến nay, tại tỉnh Ninh Thuận, BIM Group có 3 cánh đồng muối gồm: Tri Hải (Ninh Hải) Quán Thẻ và Cà Ná (Thuận Nam) với diện tích hơn 2.100 ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn mỗi năm, đóng góp khoảng 60-70% sản lượng muối của Việt Nam. Nhằm nâng cao sản lượng , từ năm 2016, BIM Group tiếp tục áp dụng thêm công nghệ “phủ bạt che mưa” trên cánh đồng muối Quán Thẻ. Những hạt muối trên cánh đồng muối của BIM Group trải qua quá trình giang phơi, lắng lọc và kết tinh, được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước ở từng khâu, từ đó cho ra thị trường các sản phẩm muối biển tự nhiên, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cao được nhiều đối tác thực phẩm hàng đầu tin tưởng.
Ông Đoàn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc BIM Group, cho biết: Trong tương lai, BIM Group cam kết theo đuổi tầm nhìn phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung và một tương lai tốt đẹp hơn tại các địa phương nơi BIM hiện diện, trong đó có Ninh Thuận. Cùng với đối tác là tập đoàn Ayala từ Philippines, BIM đang về đích mục tiêu xây dựng quần thể năng lượng tái tạo công suất 1500MW; sau đó, là tầm nhìn về một tổ hợp kinh tế xanh, trong đó điện sạch sẽ được sử dụng cho chính dây chuyền sản xuất hóa chất sau muối, tạo thành một mô hình tuần hoàn.
Đặc biệt, trên diện tích hơn 2.100 ha muối tại Ninh Thuận, có thời điểm BIM Group đã tạo ra gần 1.000 việc làm, giúp cho người dân địa phương có thu nhập ổn định cuộc sống. Trong số này, có những gia đình 4 thế hệ cùng gắn bó với nghề muối, có người gắn bó cả cuộc đời với những hạt muối, đôi chân ngày ngày rong ruổi trên những ô, ruộng muối. Gia đình bác Đoàn Văn Mạnh ở thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm (Thuận Nam) là một trong số những gia đình như thế. 59 năm tuổi đời, bác Mạnh có 39 năm gắn bó với cánh đồng muối Cà Ná và đang đảm nhận chức vụ Tổ phó Tổ Kỹ thuật Sản xuất. Bác Mạnh cho biết: ở vùng đất Thương Diêm này, đất sản xuất rất ít lại cằn cỗi, quanh năm nắng hạn nên phần lớn người dân chọn nghề biển hoặc làm muối. Với gia đình tôi, muối là nghề truyền thống. Ông nội, ba của tôi trước đây cũng là những công nhân của xí nghiệp muối. Con trai tôi - Đoàn Trung Việt, sinh năm 1992, đến nay cũng đã có 9 năm, 7 tháng gắn bó với cánh đồng muối Cà Ná của BIM Group. Làm công nhân ngành muối chúng tôi tự hào vì có đời sống ổn định, lương thưởng đều đặn, các chế độ phúc lợi được đảm bảo.
Hai cha con Đoàn Văn Mạnh và Đoàn Trung Việt ở thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm nối tiếp truyền thống của ông cha, tiếp tục gắn bó với nghề làm muối. Ảnh: N.Diệp.
Trên các cánh đồng muối của BIM Group, cũng có hàng chục lao động là người đồng bào dân tộc Chăm. Họ vượt quãng đường hàng chục km mỗi ngày tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình. Hơn 16 năm qua, anh Quảng Đại Lanh, nhà ở làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ, Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), mỗi sáng chạy hơn 15 km, tới làm việc tại cánh đồng muối Quán Thẻ từ khi BIM Group triển khai đầu tư sản xuất tại cánh đồng này. Điều vui nhất là ở đây anh em gắn bó chan hoà, phía công ty không bao giờ trễ lương, thậm chí còn sớm hơn. Nhờ những hạt muối của BIM Group đời sống của gia đình tôi được đảm bảo, đủ sức nuôi hai con ăn học. Mai này, khi về già tôi có lương hưu, không lo tạo gánh nặng cho con. Làm ở đâu, nghề nào cũng có những vất vả riêng nhưng các chế độ lương thưởng, phúc lợi đảm bảo là mình yên tâm gắn bó, anh Lanh chia sẻ.
Anh Quảng Đại Lanh, một người con dân tộc Chăm Mỹ Nghiệp có cuộc sống ổn định nhờ vào những hạt muối của BIM Group. Ảnh:Ngọc Diệp
Ông Nguyễn Công Phương, Phó Giám đốc Công ty Muối Ninh Thuận (Thành viên của BIM Group) thông tin: Tại công ty chúng tôi người lao động luôn được đảm bảo các chế độ lương, thưởng, các chế độ, phúc lợi xã hội theo quy định. Ngoài ra chúng tôi còn mua thêm bảo hiểm sức khoẻ, tổ chức cho người lao động đi tham quan du lịch hằng năm, thưởng thâm niên để khuyến khích họ gắn bó với nghề, với công ty. Tới ngày sinh nhật, người lao động được tặng quà và hưởng chế độ nghỉ không bị trừ lương.
Hiện thực hóa tầm nhìn năng lượng tái tạo từ sớm
Ninh Thuận là tỉnh ven biển, có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nắng và gió lại là một lợi thế. Bà Hoàng Thị Út Lan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại: Giai đoạn 2006- 2009, khi bà còn đương chức, đã từng có một DN từ Canada đã đến đặt vấn đề với tỉnh để triển khai đầu tư một dự án điện gió.
BIM đầu tư quy mô lớn cánh đồng sản xuất muối kết hợp năng lượng điện gió tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Không riêng DN nước ngoài, vốn là một cán bộ của Viện Năng lượng, nghiên cứu năng lượng tái tạo từ những năm 1977- 1978, hơn ai hết, Cố Chủ tịch Đoàn Quốc Việt hiểu rõ giá trị của nguồn năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận, vượt xa cả tiềm năng của những hạt muối. Do đó, ngay khi đặt chân đến Ninh Thuận, Cố Chủ tịch Tập đoàn BIM Group đã từng có tầm nhìn về xây dựng mô hình năng lượng tái tạo trên cánh đồng muối, cụ thể là điện gió. Bởi vậy, khi xây các đồng muối, BIM Group làm các con đường dẫn vào đủ lớn vừa để phục vụ cơ giới hoá trong thu hoạch vận chuyển muối vừa để để có thể vận tải tuabin gió về sau.
Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nắm bắt cơ hội, từ năm 2018, BIM Group bắt đầu hiện thực hoá ước mơ của nhà sáng lập. Chỉ trong 3 năm, bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19 gây đình trệ nhiều khâu, đặc biệt trong vận chuyển quốc tế, BIM Group vẫn quyết tâm khởi công và hoàn thành 3 nhà máy điện mặt trời BIM 1, 2, 3, tới năm 2020 đã đạt tổng công suất 405 MWp.
BIM Group đầu tư năng lượng điện mặt trời tại Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Ngày 30/9/2021, đánh dấu bước tiến quan trọng của BIM Group khi nhà máy điện gió BIM với tổng công suất 88 MW với vốn đầu tư 3.110 tỷ đồng đi vào hoạt động, chính thức hoàn thiện Tổ hợp Kinh tế xanh sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, giúp tối ưu hoá giá trị của tài nguyên đất, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. BIM Group trở thành một trong những DN đóng góp tỷ trọng lớn trong đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Đóng góp thiết thực cho tỉnh nhà
Gần 20 năm có mặt tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận, BIM Group mở lối về phương thức sản xuất muối, tạo ra Tổ hợp Kinh tế xanh, phát triển bền vững, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Ông Trương Xuân Vỹ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam đánh giá: Sự tham gia của BIM Group trên 2 lĩnh vực sản xuất muối và năng lượng tái tạo đã góp phần đa dạng hóa bức tranh kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển của Thuận Nam thời gian qua. Đồng thời, giúp hàng trăm lao động địa phương có việc làm ổn định, chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội đảm bảo. Chúng tôi đang kỳ vọng dự án Công nghiệp xanh và Hóa chất sau muối mà BIM Group đang nghiên cứu và xúc tiến tại 2 cụm Công nghiệp Phước Minh 1 và 2 phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương sẽ sớm hoàn tất thủ tục đi vào triển khai, hoạt động thúc đẩy tạo ra những giá trị bền vững.
BIM Group giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, quá trình đầu tư, thực hiện các dự án, BIM Group còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội vì cộng đồng trên địa bàn như: Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, các gia đình chính sách, xây dựng phòng học tại Trường THCS Võ Văn Kiệt, xã Phước Ninh (Thuận Nam)… Chúng tôi mong rằng, DN tiếp tục nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, quan tâm, đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách lương thưởng cho người lao động.
BIM Group tài trợ, bàn giao công trình cho Trường THCS Võ Văn Kiệt trong năm học 2019-2020 ở Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ
BIM Group tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Bà Hoàng Thị Út Lan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh-Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: Trong suốt thời gian thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã đồng hành cùng với Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Ninh Thuận xây dựng 24 căn nhà cho người nghèo, mổ tim cho các bệnh nhi với số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Và dành khoảng 10.000 tấn muối tặng cho đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh. Điều đáng quý là đơn vị luôn chủ động gợi ý, để Hội khi cần là có chỗ tìm đến.
Ngọc Diệp