Chuyển biến tích cực trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, quản trị nhà trường và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, trong năm 2024, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) và đạt được một số kết quả nổi bật so với kế hoạch đề ra.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD&ĐT, cho biết: Hiện nay, hoạt động CĐS của ngành GD&ĐT được tập trung triển khai trên Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận, bao gồm cả công tác quản lý và hoạt động dạy, học ở các cơ sở giáo dục (CSGD) từ cấp mầm non đến THPT. Trong năm 2024, sở đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng Kami mind để tạo sinh ngân hàng câu hỏi, xây dựng ngân hàng đề chung; triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học trên hệ Chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận và phối hợp với Viettel Ninh Thuận triển khai nền tảng đánh giá CĐS các CSGD trực tuyến K12 Online... Đến nay, toàn tỉnh có 125/125 trường tiểu học và 15/15 trường tiểu học - THCS tham gia thực hiện học bạ số; số học bạ được thực hiện ký số là 62.626 học bạ, trong đó tập trung ký số hoàn chỉnh cho học sinh lớp 1 là 3.208 học bạ; đã đồng bộ thí điểm lên kho học bạ số của Bộ GD&ĐT khoảng 1.000 hồ sơ/3 trường tiểu học để test thử mức độ đáp ứng của kết nối liên thông dữ liệu (API). Toàn tỉnh có 2 trường THPT là: THCS-THPT Đặng Chí Thanh và THCS-THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) đã thực hiện hoàn chỉnh phần học bạ số; có 100% cán bộ quản lý các CSGD được cấp chữ ký số theo quy định của Ban cơ yếu Chính phủ; 55% giáo viên tiểu học, THCS và THPT được cung cấp chữ ký số dịch vụ để triển khai nghiệp vụ chuyên môn. Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức bồi dưỡng và từng bước đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản lý và giáo dục; thực hiện quy củ công tác tuyển sinh đầu cấp, tra cứu kết quả tuyển sinh, kết quả thi tốt nghiệp, tra cứu văn bằng chứng chỉ trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt... tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính đối với lĩnh vực GD&ĐT.

Giáo viên Trường Tiểu học Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy học.

Qua thực hiện nhiệm vụ CĐS năm 2024, ngành GD&ĐT có 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 95,9%, tăng 25,9%; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng. Ngành GD&ĐT cũng đã kết nối dữ liệu với Bộ GD&ĐT; kết nối chia sẻ dữ liệu với Tp. Phan Rang - Tháp Chàm để triển khai xây dựng nền tảng đô thị thông minh và cơ bản hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho các huyện, thành phố. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT) tiếp tục chuyển biến tích cực, số hồ sơ giao dịch trực tuyến vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Điểm nổi bật trong năm 2024 là kết quả triển khai thu học phí và thực hiện các khoản thu - chi khác không dùng tiền mặt trong CSGD có bước phát triển vượt bậc, tạo thuận lợi cho cả nhà trường, phụ huynh học sinh và góp phần vào mục tiêu CĐS theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Đề án 06 của Chính phủ. Chỉ tính trong 3 tháng (tháng 9, 10, 11) năm học 2024-2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các CSGD trên địa bàn tỉnh đạt 90,7%, tăng 31,07% so với cùng kỳ. Các địa phương có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cao như: Huyện Ninh Sơn 100%; Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 98,1%; huyện Ninh Phước 89,5%... Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng số đáp ứng yêu cầu CĐS tại các CSGD. Trong năm 2024, toàn tỉnh đầu tư trên 1.000 máy vi tính và các thiết bị hỗ trợ để phục vụ cho việc dạy học môn Tin học và ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng giáo dục.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả CĐS, trong năm 2025, ngành GD&ĐT tiếp tục cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu định kỳ; đảm bảo 100% giáo viên, nhân viên hỗ trợ phục vụ (trừ các vị trí không thuộc đề án vị trí việc làm) được cấp tài khoản thực hiện Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận; đảm bảo tất cả phụ huynh có sử dụng điện thoại thông minh được tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt app mobile để sử dụng dịch vụ miễn phí về những thông tin liên quan đến phiếu liên lạc điện tử; tiếp tục triển khai Đề án 06; tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng CNTT, đảm bảo đạt từ 90-95% CSGD được đánh giá mức độ đáp ứng CĐS mức độ 2; ưu tiên đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo phục vụ cho công tác dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và phát triển năng lực; tiếp tục phối hợp thực hiện quản lý và khai thác gói chữ ký số cho giáo viên theo đơn vị trường để thực hiện việc số hóa các loại hồ sơ, học vụ theo điều lệ trường học; tiếp tục số hóa hồ sơ, sổ sách từ mầm non đến THPT và phát triển, hoàn thiện các loại phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và dạy học...