Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, các ngành, địa phương đã tuyền truyền, khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM). Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cũng đã thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Xác định thanh toán KDTM là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chuyển đổi số, thời gian qua các ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm triển khai nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh thanh toán KDTM. Các địa phương cũng đã phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp thanh toán KDTM đối với dịch vụ công, từng bước đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán KDTM trong xã hội thành thói quen của người dân, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Ngân hàng HDBank chi nhánh huyện Ninh Sơn tặng mã QR cho khách hàng để thuận tiện nhận chuyển tiền không dùng tiền mặt. Ảnh: Anh Tuấn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, thực hiện Kế hoạch số 1466/KH-UBND về phát triển thanh toán KDTM giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề và Ngày hội thanh toán KDTM đối với Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của thành viên về thanh toán KDTM. Đến nay, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán KDTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường. Số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) tiếp tục tăng; đến cuối tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 611 POS tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, tăng cường kết nối thanh toán với các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán KDTM, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Đến nay, 100% các trường học và 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế... bằng thanh toán KDTM. Hầu hết, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đều đã thực hiện thanh toán điện tử đối với dịch vụ công như: Triển khai cung cấp dịch vụ kê khai và nộp thuế điện tử, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, chi trả an sinh xã hội...

Mặc dù, thanh toán KDTM đã đạt những kết quả tích cực, nhưng trong thực tế triển khai vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức. Bởi nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, ngại tiếp cận công nghệ, chưa có đủ thông tin và kỹ năng trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Đơn cử như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm chi trả KDTM cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trong toàn tỉnh. Đến nay, đã tổ chức thu thập thông tin, mở tài khoản cho 15.375 đối tượng hưởng an sinh xã hội (đạt 55,38%) và thực hiện chi trả KDTM cho 13.616 đối tượng có tài khoản (đạt 94,72%). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, gặp một số vướng mắc như đối tượng thụ hưởng phần lớn là người lớn tuổi, người khuyết tật, do đi lại khó khăn không có điều kiện sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh nên có nguyện vọng muốn nhận tiền mặt. Đồng chí Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn thường sử dụng hình thức mua trả tiền mặt. Nên trong thời gian tới cần vận động, tuyên truyền, đề nghị các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương thực hiện thanh toán thông qua mã QR. Nếu không chúng ta chỉ mới làm tốt phần chi trả tiền mặt qua tài khoản mà chưa làm tròn khâu trong việc mua bán, giao dịch KDTM trong thực tiễn đời sống.

Khách hàng quét mã QR thanh toán tại Bách hóa Xanh.

Trước những khó khăn trên, nhằm tiếp tục thúc đẩy thanh toán KDTM trên địa bàn, trong thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận sẽ vận động các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện hoạt động đại lý thanh toán theo Thông tư số 07/2024/TT-NHNN ngày 21/6/2024 của NHNN nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán KDTM trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa để người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và tiếp tục tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.

Đồng chí Hồ Chu Vân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành ngân hàng xác định rõ yêu cầu và hướng tới tích hợp tài khoản ngân hàng vào tài khoản mã định danh VNeID, đảm bảo 100% tài khoản cá nhân phải được tích hợp mã định danh VNeID. Hiện nay, các ngân hàng đang xác minh sinh trắc học đối với các tài khoản của người dân để đảm bảo an toàn tài khoản khi sử dụng. Thực hiện Thông tư số 07 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại có thể tìm các cửa hàng kinh doanh có uy tín tại các địa phương làm đại lý thanh toán thay cho việc đầu tư, sử dụng máy ATM để rút, chuyển tiền. Người dân có thể tới các đại lý này dùng điện thoại quét mã QR để lấy tiền mặt, hoặc thông qua đây để nạp tiền vào tài khoản. Hiện nay các ngân hàng đang rà soát, vận động các cửa hàng kinh doanh tham gia để triển khai các đại lý; qua đó dần hình thành thói quen để người dân từng bước giảm thanh toán tiền mặt. Nhiệm vụ của ngân hàng là quản lý đảm bảo giao dịch và bảo mật tài khoản an toàn cho người dân, tạo dựng mã QR và app ngân hàng để người dân sử dụng các giao dịch thuận lợi nhất.