Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các sản phẩm OCOP hết thời hạn chứng nhận

Năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận 69 sản phẩm OCOP của 19 chủ thể. Theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để đảm bảo quyền lợi của các sản phẩm được công nhận, các ban, ngành, địa phương đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì các tiêu chí và đăng ký đánh giá phân hạng lại sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản Thái Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Qua thông báo của UBND huyện, năm 2023, công ty đã chủ động đăng ký lại 10 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Về hồ sơ đăng ký thì hầu như phải làm mới toàn bộ nhưng thời gian hoàn thiện nhanh hơn do đã có quy trình từ lần đầu tiên tham gia. Đối với sản phẩm OCOP muốn nâng sao thì yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ theo các tiêu chí cao hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản, dài hơi và sản xuất ổn định.

Ông Nguyễn Đình Quang (bên phải) giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ

Còn ông Đào Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm): Trong lần công nhận của năm 2020, HTX có 1 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao, nhờ đó tạo thuận lợi hơn cho HTX trong sản xuất và kinh doanh. Nên khi các sản phẩm hết hạn chứng nhận, HTX đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố hoàn thiện hồ sơ gia hạn cho các sản phẩm này và tham gia đánh giá công nhận thêm một số sản phẩm mới. Đến nay, HTX đã có tổng cộng 4 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.

Từ chương trình OCOP, các loại nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh như các sản phẩm nho, táo, măng tây xanh, dưa lưới, hành, tỏi, nước mắm, dê, cừu... đã được tôn vinh, nâng cao giá trị sản xuất, dần khẳng định giá trị kinh tế và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là số lượng chủ thể tham gia hồ sơ công nhận lại sản phẩm OCOP hết hạn còn khá ít, chưa được như kỳ vọng. Số liệu cuối năm 2023 cho thấy, chỉ có 9 trong tổng số 19 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng lại với 35 sản phẩm OCOP và thực trạng này đến từ nhiều nguyên nhân.

Hiện các sản phẩm OCOP được đánh giá theo bộ tiêu chí tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo nhiều chủ thể, trong bộ tiêu chí có khá nhiều nội dung mới so với bộ tiêu chí trước đây, phần lớn những khó khăn, vướng mắc ở quy mô sản xuất và điều kiện về chứng nhận sở hữu trí tuệ. Cụ thể, để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, nâng cấp bao bì... Đối với nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều HTX, DN nhỏ trên địa bàn tỉnh khó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này vì cần thời gian dài và nguồn vốn tương đối lớn để hoàn thiện.

Đại diện cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống Tư Phụng, xã Thanh Hải (Ninh Hải) băn khoăn: Trong bộ tiêu chí đánh giá, yêu cầu các chủ thể phải có năng lực, quy mô sản xuất trung bình trở lên, trong khi chưa quy định quy mô thế nào là nhỏ, trung bình hoặc lớn. Để đạt công nhận sản phẩm 4 sao phải có giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng thủ tục để được cấp thì rất lâu.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cấp cho chủ thể tham gia OCOP còn hạn chế, chỉ mới hỗ trợ được chi phí bao bì, in tem đối với các sản phẩm sau chứng nhận, chưa hỗ trợ về phát triển quy mô, dây chuyền sản xuất, vùng nguyên liệu, thị trường... Do đó, dù hiểu về lợi ích của việc nâng cấp, tái chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng nhiều chủ thể vẫn e ngại.

Theo quy định, đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi hết hạn nếu không được công nhận lại sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì đối với các sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Trong trường hợp nếu các cơ quan chuyên môn kiểm tra và phát hiện chủ thể có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, để duy trì và đảm bảo quyền lợi cho các sản phẩm OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng lại đối với các sản phẩm OCOP hết thời hạn chứng nhận.

Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đối với chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP, sở đã hướng dẫn phối hợp với cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với chủ thể không tiếp tục tham gia đánh giá phân hạng lại làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục để các chủ thể tiếp tục tin tưởng tham gia. Ngoài các sản phẩm đã đăng ký năm 2023, tiếp tục rà soát, đánh giá các sản phẩm khác trên địa bàn có lợi thế, đạt yêu cầu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng trong công tác hỗ trợ hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ thể nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Quan trọng hơn hết, các chủ thể cũng cần chủ động tham gia trong việc đăng ký lại đánh giá, xếp hạng lại OCOP cho sản phẩm hết thời hạn, quan tâm đến nâng cao chất lượng, uy tín và tính ổn định của sản phẩm để tạo niềm tin với người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường, bắt kịp xu hướng tiêu dùng từ đó có định hướng đầu tư, nâng cấp kịp thời.