Chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2024 tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Mưa lớn xuất hiện tập trung và có khả năng xảy ra từ 2-3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó với thiên tai do bão, mưa, lũ gây ra, hiện các địa phương đã xây dựng các phương án cụ thể. Tại huyện Ninh Phước, qua kinh nghiệm thực tế ứng phó, huyện đã xác định những khu vực trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai như: Thôn An Thạnh (xã An Hải); thôn Phước Khánh, Thuận Hòa (xã Phước Thuận); khu phố 2 (thị trấn Phước Dân); thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh); thôn Từ Tâm (xã Phước Hải); bờ Sông Dinh tại xã Phước Sơn... Đây là những điểm thường xuyên bị ngập và gây sạt lở khi xảy ra lũ, lụt. Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án ứng phó chi tiết, cụ thể. Từ việc khoanh vùng các vị trí xung yếu, các phòng, ban, UBND các xã tăng cường phối hợp, vận dụng hiệu quả nguyên tắc “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, huy động tổng lực về người và phương tiện tổ chức ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thi công công trình kè chống sạt lở bờ biển tại khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải).

Để ứng phó khẩn cấp với thiên tai, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh còn chủ động cân đối, bố trí kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp công các công trình phòng, chống thiên tai (PCTT), đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão. Theo đó, trong năm 2024, từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng ngân sách trung ương, UBND tỉnh quyết định phê duyệt xây dựng dự án khắc phục sạt lở kè khu dân cư xã Cà Ná (Thuận Nam) và dự án khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi tỉnh, chia sẻ: Xác định đây là các dự án quan trọng, nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của người dân; với vai trò đơn vị chủ đầu tư, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, các mạng mục, đảm bảo đến cuối năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.

Ngoài ra, từ vốn cân đối ngân sách địa phương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh còn đầu tư xây dựng 18 cột thu lôi chống sét tại các khu vực thường xuyên xảy ra giông, sét, với kinh phí 12,6 tỷ đồng và sửa chữa mặt đê, khắc phục sạt lở bờ Bắc Sông Dinh đoạn qua phường Đạo Long (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), với số tiền 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được triển khai sâu rộng như tổ chức diễn tập ứng phó sự cố va đập tàu thuyền trong khu neo đậu tránh trú bão, diễn tập ứng phó sự cố mưa lũ, tràn, vỡ đập hồ thủy lợi. Lắp đặt biển báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập, sông suối, kênh mương và những điểm có thể xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước. Qua đó, giúp người dân nâng cao khả năng ứng phó và xử lý kịp thời trước nguy cơ thiên tai.

Thực hiện Kế hoạch PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng phương án cụ thể của từng cơ quan mình để chủ động trong ứng phó. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí, điều động lực lượng, phương tiện trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền, các phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn. Sở Giao thông vận tải bố trí đảm bảo lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó khi cầu, đường có sự cố hư hỏng. Các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, bố trí lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, phương tiện cứu hộ sẵn sàng tham gia di dời dân ở vùng hạ lưu khi bị ngập lụt. Các huyện, thành phố triển khai rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, sạt lở, vùng trũng thấp ven sông, suối...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp PCTT, không chỉ hạn chế tối đa mức thiệt hại do thiên tai gây ra mà còn góp phần ổn định cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.