Diễn đàn có sự tham gia của 370 đại biểu đại diện cán bộ Công đoàn, chủ sử dụng lao động, đoàn viên, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
Chương trình nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giúp ngăn chặn và giảm thiểu lao động trẻ em, đồng thời thúc đẩy chính sách đào tạo và phát triển nghề cho lao động trẻ góp phần xây dựng môi trường làm việc bền vững, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực trẻ.
Thi kiến thức về lao động trẻ em, kỹ năng nghề cho lao động trẻ tại diễn đàn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Thông tin tại diễn đàn, ở Việt Nam, số liệu năm 2018 cho thấy ước tính có trên 1 triệu trẻ dưới 17 tuổi tham gia lao động. Trong đó, có trên 500.000 trẻ em làm công việc nặng nhọc độc hại, có 20,1% lao động trẻ em làm trên 42 giờ/tuần. Điều này có thể gây ra những hậu quả ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ và gây ra những ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế.
Bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Hải Dương là tỉnh có nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh miền núi, điều này tiềm ẩn nguy cơ các bậc cha mẹ cho con em mình tham gia lao động sớm. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn cần hướng dẫn các cha mẹ để tránh, hạn chế việc cho trẻ em lao động sớm.
Bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đối với lao động trẻ, ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, trẻ từ 15 tuổi có quyền tham gia ký kết hợp đồng lao động. Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy, có 20,9% số trẻ em trong độ tuổi 15-17 ở nông thôn không còn đi học, có 77% thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi làm việc ở khu vực phi chính thức với những việc được trả lương thấp hơn 55% so với làm việc ở khu vực chính thức. Mỗi năm có khoảng 1,5 đến 1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động, nếu không được đào tạo nghề, dự kiến đến năm 2026 sẽ có khoảng 30% lao động phải chuyển đổi nghề. Đã có quy định của pháp luật lao động về thời gian, điều kiện làm việc cho đối tượng này, nhưng đa phần lao động trẻ đều cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn. Đối với đối tượng lao động thuộc diện này, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm cao hơn với lao động thông thường trên 18 tuổi trong việc hướng dẫn, đào tạo nghề. Tổ chức Công đoàn cần giám sát, hướng dẫn các bạn làm quen công việc và bảo vệ quyền lợi.
Chuyên gia Nguyễn Thị Minh Hương, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ các thông tin về: Nhận diện lao động trẻ em, hiện trạng, nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em ở Việt Nam và hệ lụy. Chuyên gia cũng cung cấp các thông tin cơ bản nhất về quy định của pháp luật về lao động trẻ em và các quyền của lao động trẻ, những quy định, lưu ý về bảo vệ, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trẻ trong môi trường làm việc. Thông qua hình thức hỏi đáp, trao đổi, thi rung chuông vàng, các đại biểu tham gia diễn đàn đã thể hiện hiểu biết và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, của cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp trong hướng dẫn, tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho lao động trẻ giúp lao động trẻ.
Để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cho rằng cần sự tham gia của Chính phủ và các tổ chức xã hội. Tại Việt Nam, UNICEF đã phối hợp với Chính phủ, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở và tổ chức các chương trình truyền thông giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng để trẻ em được sống, học tập, phát triển trong môi trường lành mạnh.
Đối với lao động trẻ, trong bối cảnh hiện nay, cần trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng cao. UNICEF kêu gọi Chính phủ và các tổ chức xã hội dành nhiều quan tâm bảo vệ lao động trẻ để đảm bảo cho lao động trẻ được nâng cao trình độ, kỹ năng, làm việc trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Theo baotintuc.vn