Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ lợi thế của tỉnh Nam Định. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa; có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ; có vị trí rất thuận lợi để kết nối với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có chất lượng; có truyền thống hiếu học lâu đời. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng biển được đầu tư đồng bộ, có 14 khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, Nam Định đang đi đúng hướng, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Nam Định đã quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với nhiều kết quả khá toàn diện.
Nổi bật là tỉnh sớm hoàn thành đạt và vượt 11/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm, thu ngân sách Nhà nước cán mốc 10 nghìn tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới là điểm sáng; tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh còn 1,09%...
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. Là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp lớn, nhưng Nam Định lại là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chủ trương này trong giai đoạn 2023 - 2025. Kết quả này là nhờ hệ thống chính trị đã thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, sắp xếp nhân sự và bảo đảm các điều kiện thực hiện.
Ghi nhận những kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số hạn chế tỉnh cần quan tâm khắc phục. Đó là, tỉnh chưa ứng dụng được nhiều thành tựu của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; chưa sản xuất được nhiều sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao; liên kết vùng còn hạn chế. Năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu so với yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới…
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX của tỉnh, rà soát các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị để bứt phá đi lên; phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm để có sản phẩm cụ thể.
Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cố gắng tăng tốc để đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quán triệt, triển khai tốt Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị “về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”; chú trọng công tác cán bộ, vì đây là then chốt của then chốt, phải làm thực chất, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, lựa chọn cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải nêu gương trong xây dựng đoàn kết; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, không đùn đẩy, không né tránh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh theo hướng “3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế”, phấn đấu trở thành một cực phát triển quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Hồng; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều luật đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đặc biệt, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Nam Định quan tâm, cụ thể hóa, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền để triển khai nhanh, hiệu quả các luật này.
Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm phát triển hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Tỉnh Nam Định hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị hóa nông thôn, trở thành những vùng quê đáng sống; duy trì thành tích dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục; triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; điều chỉnh mức hưởng lương cho cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của HĐND các cấp, các phiên họp, các phiên chất vấn; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát…
Theo báo cáo, trong những năm qua, tình hình chính trị, xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Nam Định đã thống nhất lựa chọn những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và các kế hoạch, chương trình hành động; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Theo baotintuc.vn