Thượng tá Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Công an huyện Ninh Sơn, cho biết: Hằng năm, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác vận động nhân dân tham gia PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”. Trọng tâm là xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, duy trì các phong trào PCCC trong quần chúng nhân dân trên địa bàn 8 xã, thị trấn như: Mở lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, CNCH, nhà tôi có bình chữa cháy; thành lập các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” phù hợp với đặc điểm tình hình về an ninh trật tự, an toàn PCCC từng khu dân cư. Cùng với đó tổ chức hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn PCCC”; tăng cường hoạt động trải nghiệm thực hành, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các đợt thực tập phương án chữa cháy cho thành viên đội dân phòng, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân tham gia. Đến nay đã tổ chức tuyên truyền cho 20.213 người/24.493 hộ người trên địa bàn về công tác PCCC (đạt 82,5%); có 6.243 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay; 100% cơ sở được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC.
Huyện Ninh Sơn tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024.
Từ các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm thực hành đã góp phần đưa công tác PCCC trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ và khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Điển hình như vào khoảng 6 giờ 15 phút ngày 6/10/2023, tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do bà Phạm Thị Nên làm chủ, thuộc thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn xảy ra sự cố chập điện gây cháy. Nhờ việc chủ động trang bị bình chữa cháy tại nhà, cũng như được thực hành các kỹ năng trong PCCC đã giúp các thành viên trong gia đình bình tỉnh xử lý dập tắt đám cháy kịp thời, không để lây lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Phạm Thị Nên, chủ cơ sở cho biết: Thông qua hoạt động tuyên truyền PCCC giúp tôi cũng như bà con hàng xóm bình tĩnh xử lý tình huống khi xảy ra cháy. Gia đình tôi nhanh loan báo và gọi cho Công an xã, hàng xóm trong “Tổ liên gia an toàn PCCC” đến nhà dập tắt đám cháy ngay trong “thời điểm vàng” đầu tiên khi đám cháy xảy ra, nên gia đình không bị thiệt hại gì. Tôi thiết nghĩ cơ quan chức năng nên thường xuyên đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hành PCCC, để người dân được trang bị các kiến thức, kỹ năng PCCC; biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy và biết cách thoát nạn khi chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nhằm kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại trong công tác PCCC, loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây cháy, nổ, Công an huyện còn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn về PCCC trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phối hợp tiến hành kiểm tra 131 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH (bao gồm các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở cho thuê lưu trú; cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa); xử lý vi phạm hành chính 3 vụ về vi phạm PCCC. Qua công tác kiểm tra thường xuyên của lực lượng chức năng, đã nâng cao ý thức chấp hành công tác PCCC của các cơ sở kinh doanh, 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH trên địa bàn huyện đảm bảo đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH cơ bản.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hùng, cho biết thêm: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCCC trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 4 vụ cháy, không gây thiệt hại về người nhưng cũng ảnh hưởng đến tài sản người dân. Nguyên nhân xảy ra ở nhà các hộ dân với lý do chập điện, sơ suất, bất cẩn do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Để triển khai công tác PCCC hiệu quả, thời gian tới, Công an huyện tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp kiến thức, kỹ năng PCCC đến từng hộ dân; tăng cường kiểm tra an toàn về PCCC đối với các địa bàn, cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý, các cơ sở có nguy cơ cao, thường xảy ra cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn cháy, nổ. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh, đội PCCC cơ sở,... và chủ động nắm tình hình để đưa ra các giải pháp nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình cháy, nổ, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
Kim Thùy