Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công
“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống, đạo lý thể hiện tính nhân văn, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC với cách mạng, Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những NCC với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần lời dạy của Người và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng; tích cực tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách NCC; thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp thường xuyên, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ làm nhà ở; thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng...
Đoàn viên, thanh niên thắp hương tưởng niệm
các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Phan Bình
Hiện toàn tỉnh có trên 40.000 hồ sơ NCC, trong đó có 520 Mẹ Việt Nam anh hùng (2 mẹ còn sống được nhận phụng dưỡng suốt đời); 2.917 đối tượng NCC, đang hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng; 636 đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; 71 đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi trong giáo dục - đào tạo năm học 2023-2024... Nhìn chung, các chế độ chính sách đều được thực hiện kịp thời, đến tận đối tượng, thể hiện được lòng tri ân đối với NCC với cách mạng. Bên cạnh triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách hỗ trợ hằng tháng theo đúng quy định, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai các phong trào, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ý nghĩa, thiết thực. Thông qua đó, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức và nhân dân trong tỉnh, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Điển hình, hưởng ứng phát động gây Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay hưởng ứng. Bình quân, mỗi năm ủng hộ hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC; tổ chức các hoạt động khám, tư vấn sức khỏe; xây dựng, tu sửa, tôn tạo các công trình ghi danh liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ...
Chương trình xây dựng công trình ghi công liệt sĩ được chú trọng, hiện có 1 Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, 6/7 đài tưởng niệm cấp huyện, 54/65 đơn vị, cấp xã, phường, thị trấn có đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ (trong đó có 5 nhà bia) và có 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình chính sách, NCC được quan tâm thường xuyên, đặc biệt nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các ngày lễ, tết hằng năm các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh và thắp hương các anh hùng liệt sĩ. Tỉnh đã xây dựng, sửa chữa gần 3.100 nhà ở cho NCC với tổng kinh phí trên 37,9 tỷ đồng. Nhìn chung, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn đạt được nhiều kết quả, thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và NCC, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC với cách mạng trên địa bàn, là động lực quan trọng để NCC phát huy truyền thống tốt đẹp, vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, đến nay đời sống của các hộ gia đình NCC đã đi vào ổn định và ngày càng được cải thiện, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Đáp lại sự chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quan tâm chăm sóc của các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống cách mạng của gia đình, luôn nêu cao ý thức khắc phục khó khăn, tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực trong công tác, trở thành những gương điển hình tiên tiến; đồng thời nuôi dạy con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, trở thành người có ích cho xã hội.
Đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như: Chỉ thị số 14-CT/TW, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 2/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nghị định, thông tư của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi NCC bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NCC với cách mạng; đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ NCC với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh phường Bảo An (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thăm mô hình kinh tế của thương binh Hồ Ngọc Lân. Ảnh: Lê Thi
Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đã ban hành đối với NCC với cách mạng gắn với đẩy mạnh các hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng. Duy trì và nhân rộng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông từ xã lên tỉnh trong việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với NCC; đồng thời, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản và hiệu quả hơn.
Tổ chức và phối hợp thực hiện tốt Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ ở các địa phương trong tỉnh. Tổ chức trang trí, vệ sinh, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, coi đây là hoạt động thường xuyên và đảm bảo 100% các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được chăm sóc, tu bổ.
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình NCC phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỹ Dung - Lê Thi