Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng tai nạn thương tích, nhất là đuối nước ở TE nhưng tình trạng đuối nước ở TE trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát hiệu quả, ở một số địa phương các vụ đuối nước gây tử vong cho TE vẫn còn xảy ra.
Nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp để giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước TE; ngày 28/6/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2905/UBND-VXNV yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống đuối nước TE trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước TE; tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn khi bơi lội; các biện pháp phòng chống và kỹ năng cứu đuối, cấp cứu cho cha mẹ, TE, học sinh và cộng đồng dân cư trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường. Chỉ đạo đầu tư, bảo dưỡng, quản lý và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tắm biển, khuyến cáo người dân và du khách tuân thủ các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.
Trẻ em vui chơi, bơi lội tại hồ bơi Thi Thoa (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: P.N
Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; phòng, chống đuối nước TE cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE ở các cấp, cha mẹ, người chăm sóc TE và cho chính TE; chỉ đạo việc thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích TE”, “Xã, phường, thị trấn phù hợp với TE”. Rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho TE, cụ thể như đề xuất làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm. Phối hợp với cơ quan có chức năng liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho TE. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến TE bị tử vong do tai nạn thương tích.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục triển khai thường xuyên và có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, TE trong trường học. Hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra việc xây dựng “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích TE”. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, hội cha mẹ học sinh và các gia đình tăng cường tuyên truyền, quản lý, giáo dục các em học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước, nhất là vào dịp hè và mùa mưa lũ sắp tới. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và gia đình tổ chức quản lý tốt học sinh trong dịp hè, tổ chức các hoạt động vui chơi sinh hoạt tập thể để thu hút TE vào các hoạt động an toàn, lành mạnh.
Các đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các đơn vị, địa phương phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho người dân và TE trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp hè. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động bơi, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ có hồ bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn cho TE. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nâng cao nhận thức của xã hội và nhân dân về sự cần thiết của việc học bơi, cứu đuối nước...
Tỉnh đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, thiếu nhi, phụ huynh học sinh, người chăm sóc TE về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước TE qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các kênh thông tin của tổ chức đoàn, hội, đội. Phát huy các đội, nhóm thanh niên tình nguyện, đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích TE, đuối nước TE; tổ chức sân chơi tuyên truyền phòng, chống đuối nước TE. Trong dịp hè, chỉ đạo đoàn cơ sở phối hợp với nhà trường, các cơ quan liên quan và gia đình tổ chức bàn giao, quản lý học sinh trên địa bàn dân cư; hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho TE phù hợp lứa tuổi; tổ chức tập huấn kỹ năng tập bơi và kỹ năng cứu đuối cho TE trong dịp hè. Khai thác và phát huy hồ bơi tại Nhà thiếu nhi tỉnh để tổ chức các lớp học bơi, dạy kỹ năng an toàn khi bơi,... nhằm thu hút học sinh, thiếu nhi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trường học.
Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, phòng, chống tai nạn thương tích TE; quản lý TE trong thời gian không đến trường, dịp nghỉ hè, thời gian thường xảy ra bão, lũ, thiên tai; chủ động có biện pháp phòng ngừa đối với các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước TE trong các hộ gia đình hội viên và người dân để đảm bảo an toàn cho TE.
Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát tất cả các khu vực dễ xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ gây tai nạn thương tích và đuối nước cho TE trong mùa mưa, bão, lũ. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi... nhất là tại các trường học. Tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp, thu hút sự tham gia của TE trong dịp hè. Bố trí ngân sách và vận động sự tham gia của cộng đồng và gia đình tạo điều kiện cho TE đi học bơi lội và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho TE. Tăng cường vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở TE về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học... thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở, đơn vị, cá nhân không nghiêm túc thực hiện để xảy ra tình trạng TE, học sinh không được quản lý, giám sát, thiếu hiểu biết, thiếu sự trợ giúp kịp thời dẫn đến tử vong.
Linh Giang