Tăng cường phương án an toàn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra từ ngày 27 - 28/6. Ngày 26/6, thí sinh có mặt tại điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.
GS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2024, có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023). Trong đó, thí sinh tự do gần 47.000, chiếm 4,38%. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là gần 67.000 em, chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh).
Bộ GD&ĐT huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các cơ sở giáo dục đại học tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi. Đồng tời, thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 Sở GD&ĐT, với tổng số 264 cán bộ chính thức tham gia.
GS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tạo thông tin. Ảnh: GD
Qua kiểm tra công tác chuẩn bị của các địa phương, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, bên cạnh những địa phương chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với các đối tượng liên quan tổ chức Kỳ thi như: Cấp điện, phòng cháy chữa cháy, chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị…
Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát điều kiện tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Ngay sau kỳ thi, các địa phương cũng phải bắt tay ngay vào công việc chấm thi, đảm bảo công bố kết quả thi vào lúc 8 giờ sáng ngày 17/7/2024.
Từ kết quả trực tiếp kiểm tra chuẩn bị thi tại một số địa phương, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Ban chỉ đạo thi các địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là việc có phương án hỗ trợ thí sinh ở vùng khó khăn, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong việc phụ đạo ôn tập, lo chỗ ăn nghỉ trong thời gian thi.
GS. Huỳnh Văn Chương chia sẻ, tình hình thời tiết hiện nay có những biến động khó lường, có thể xảy ra đợt nắng nóng cao độ, hoặc mưa lớn. Vì vậy, các địa phương cần có phương án cụ thể để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo cho thí sinh đến điểm thi an toàn.
Bảo mật đề thi, phòng chống AI chống gian lận thi cử
Về đề thi, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi; Rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi. Huy động đội ngũ với nhiều giáo viên từ các tỉnh, thành tham gia công tác ra đề thi.
Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện và thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cũng triển khai xây dựng các hệ thống, phần mềm chấm thi thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 được giữ ổn định như năm 2023.
Tháng 4/2024, các phần mềm này đã được Công an phối hợp Cục quản lý chất lượng, Cục Công nghệ thông tin kiểm tra rà soát, đánh giá về an ninh, an toàn trước khi triển khai và đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội nghị trực tuyến, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện thí sinh sử dụng AI để gian lận thi. AI với Việt Nam đã khá quen thuộc. Do đó, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, lực lượng Công an các địa phương đã tập huấn cho cán bộ, giáo viên về các thiết bị gian lận thi tinh vi và cách phát hiện. Chủ động truyền thông để nâng cao nhận thức cho thí sinh, người dân về kỳ thi.
Nhưng qua đợt kiểm tra về công tác chuẩn bị thi ở một số tỉnh, thành phố cho thấy, vẫn còn địa phương chưa hiểu rõ về quy định an ninh, an toàn cho kỳ thi như: bố trí nơi để xe học sinh sát phòng thi, nhà dân sát điểm thi…
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, để sử dụng AI, điều kiện tiên quyết là người dùng vẫn phải sử dụng các thiết bị công nghệ, bộ kết nối, tai nghe thu nhỏ cài trong tai, camera ngụy trang. Ở một số nơi, còn phát hiện thiết bị được cài trong đế giày. Để ứng phó, Trung Quốc đã sử dụng AI để coi thi và phát hiện gian lận. Nhưng chỉ là giải pháp hỗ trợ, quan trọng vẫn là con người.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024, Bộ Công an đề nghị công tác tổ chức thi, các địa phương phải tuân thủ các quy định liên quan, trong đó có việc bố trí khu vực để đồ của thí sinh cách xa phòng thi 25 mét, hạn chế tối đa mang đồ vào khu vực thi.
Đồng thời, công tác tuyên truyền với thí sinh là rất cần thiết. Đặc biệt, những gì được và không được mang vào phòng thi, hạn chế mang đồ dùng, tư trang đến điểm thi. Với những địa phương còn chưa đảm bảo an toàn ở các khu vực thi, có thể tạo kẽ hở cho gian lận đã được yêu cầu khắc phục.
Theo TTXVN/Báo Tin tức