Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm ba phần tư diện tích tự nhiên cả nước, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Chiếm 14,6% dân số cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, đời sống còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ trong phát triển giáo dục và đào tạo.
Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng như các địa phương đã có một số giải pháp khắc phục, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong việc dạy và học.
Ðược khởi công từ tháng 7/2023, dự án cải tạo, nâng cấp Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Ðáp (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2024. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 19,3 tỷ đồng từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn đầu tư của tỉnh và huyện gồm các hạng mục: Nhà lớp học ba tầng với chín phòng học, nhà chức năng hai tầng, nhà ăn bán trú...
Giờ sinh hoạt ngoài trời của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh Thanh Tùng)
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Tình, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Ðáp, số học sinh dân tộc thiểu số của trường hiện chiếm hơn 80%, phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường học khá xa cho nên phải ở bán trú. Việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học đã tạo điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại tỉnh Cao Bằng, ngành giáo dục huyện Nguyên Bình vừa tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học; quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nguyên Bình Vi Thị Hương cho biết, toàn huyện có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú với bình quân từ 2.800-3.100 học sinh/trường được hưởng các chế độ, chính sách; trong đó, học sinh ăn, ngủ và học tập (ở nội trú) hơn 1.600 em. Thông qua mô hình này, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao. Các trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và THCS bảo đảm cho học sinh học hai buổi/ngày; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt hơn 98%; giảm tỷ lệ học sinh cấp THCS bỏ học xuống còn 0,6%/năm học. Trong thời gian tới, huyện Nguyên Bình tiếp tục phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bên cạnh xây dựng trường, lớp học, nhiều cơ sở giáo dục đã chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo cô giáo Nguyễn Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), năm học 2023-2024, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên chỉ đạo, động viên cán bộ, giáo viên đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng. Trường cũng thực hiện tốt việc rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết các nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình. Năm học vừa qua, trường thực hiện việc giáo viên không dùng giáo án giấy (chỉ sử dụng giáo án điện tử); sử dụng học bạ điện tử các khối 6, 7, 8, 10, 11, 12. Cùng với đó là sử dụng các phần mềm trong công tác quản lý, dạy học; lắp đặt đủ 14 camera tại các lớp và một số khu vực để quản lý học sinh. Các lớp học hiện được trang bị đầy đủ ti-vi kết nối internet và có phòng học trực tuyến...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Tuyên Quang Hoàng Minh Cảnh cho biết, hằng năm, Sở chỉ đạo các trường xây dựng, thực hiện, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Năm học 2023-2024, tỉnh Tuyên Quang có bảy trường phổ thông dân tộc nội trú và 39 trường phổ thông dân tộc bán trú với gần 23 nghìn học sinh, học sinh dân tộc thiểu số là 21.100 em. Giai đoạn 2021-2024, Ủy ban nhân dân các huyện đã xây dựng mới 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thời gian qua, công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước. Những chủ trương, chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ngoài chính sách của Nhà nước có tính ổn định, còn có các chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó khăn. Vì vậy, hệ thống trường, lớp học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Các điểm trường, lớp học được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh.
Ðến nay, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành cơ bản mục tiêu về phổ cập giáo dục; chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên qua từng năm học. Khi trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại và có chính sách hỗ trợ học sinh kịp thời, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm đều tăng. Công tác dạy và học được khuyến khích đã tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo nhandan.vn