Trong chuyến hành trình khám phá tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống Raglai, chúng tôi có dịp đến thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) gặp nghệ nhân Mai Thấm. Ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu NNƯT năm 2015. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Raglai, ông Thấm đã bày biện đủ các loại nhạc cụ mà cả đời đã nghiên cứu sưu tầm như Mã la, Chapi, kèn bầu,... để đón khách. Trên khuôn mặt sạm nắng, nụ cười hồn hậu hào sảng đậm chất núi rừng, ông kể cho chúng tôi nghe về đam mê, trăn trở với các loại nhạc cụ Raglai. Theo lời ông kể: Xưa kia Mã la, Chapi, kèn bầu như món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Trong đó, Mã la là nhạc cụ do tổ tiên ông bà để lại; vật thiêng thay thế dân làng giao tiếp, kết nối với các đấng siêu nhiên.
Nghệ nhân ưu tú Mai Thấm (trái), thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) truyền dạy nhạc cụ mã la cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kim Thùy
Mã la thường được đánh đủ bộ, mỗi bộ sẽ có ít nhất 2 chiếc, 4 chiếc, 7 chiếc, 9 chiếc hoặc 12 chiếc. Nhà có điều kiện thì có ít nhất 2 chiếc Mã la, nhưng hầu như nhà ai cũng có đàn Chapi, kèn bầu và biết chơi các loại nhạc cụ này. Những đêm trăng thanh vắng, tiếng đàn cứ vang lên thánh thót khắp núi rừng. Con trai, con gái tụm ba tụm năm ngồi trước thềm nhà, trong vườn, thậm chí ngay ngoài đường chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn. Đối với tộc họ cũng như gia đình ông, Mã la là tài sản quý giá nhất. Tộc họ Mai của ông may mắn khi được ông bà truyền lại 4 chiếc. Mang trong mình tình yêu, niềm đam mê bảo tồn nhạc cụ của đồng bào mình, những năm tháng trung niên ông đã đem tài sản quý giá của gia đình là hai con trâu ra tận huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đổi 5 chiếc Mã la, nhân đôi nhạc cụ Mã la do gia đình ông lưu giữ là 9 chiếc. Với nghệ nhân Mai Thấm, nhạc cụ dân gian Raglai được ông tiếp cận từ khi còn rất nhỏ. Khi đó, ông đã tập chơi tất cả các loại đàn qua ngày này, tháng khác cho đến khi lập gia đình. Và khi có con, ông lại dùng tiếng đàn ấy để thay điệu à ơi. Nghệ nhân Mai Thấm tâm sự: Đó là trước kia, chứ bây giờ tiếng Mã la, Chapi, kèn bầu ở buôn làng cứ thưa dần. Lớp trẻ lại chẳng thích nhạc cụ truyền thống, mà cứ theo đuổi dòng nhạc hiện đại. Thế hệ chúng tôi luôn băn khoăn, lo lắng, rồi đây không còn ai biết chơi đàn, tiếng đàn của người Raglai không còn vang lên nữa. Ngày xưa, gia đình có điều kiện đều có một bộ Mã la, nhưng bây giờ đã thất truyền, cả vùng chỉ còn vài bộ đạt thanh âm chuẩn theo truyền thống.
Thương tiếng đàn dân dã một thời đang đứng trước nguy cơ mai một trên chính cái “nôi” của mình, từ nhiều năm nay, nghệ nhân Mai Thấm đi đến các thôn, làng, tới các trường học để truyền dạy, “thổi lửa” thanh âm của núi rừng đại ngàn cho lớp người trẻ. Ông đã thành lập được 6 đội chơi Mã la, Chapi ở mọi lứa tuổi, dưới sự dẫn dắt của ông, các đội văn nghệ thường xuyên tham gia biểu diễn trong dịp lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc, các sự kiện văn hóa do xã, huyện, tỉnh và trung ương tổ chức. Không chỉ truyền dạy cách chơi các loại nhạc cụ dân gian, ông còn tự chế tác nhạc cụ Chapi, kèn bầu bằng tre, trúc và vận động bà con thành lập tổ chế tác vật dụng truyền thống Raglai với 30 thành viên tham gia, vừa quảng bá và bán các loại nhạc cụ này.
Kết thúc cuộc hội ngộ với nghệ nhân Mai Thấm, chúng tôi ngỏ lời muốn nghe ông biểu diễn nhạc cụ của dân tộc mình. Ông cười gật đầu đồng ý. Một góc nhà, nơi cất giữ các loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống, ông chọn cây đàn Chapi và bắt đầu diễn. Tiếng đàn cất lên từ ngôi nhà sàn trầm bổng, thánh thót “bay” hòa vào không gian núi rừng. Câu hát của bài "Giấc mơ Chapi" nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến chợt văng vẳng trong tôi: “Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai...”.
Chia tay nghệ nhân Mai Thấm, mang theo thanh âm trong trẻo của núi rừng Bác Ái, chúng tôi về đến làng Chăm Tân Bổn, xã Phước Ninh (Ninh Phước) tìm gặp NNƯT Phú Bình Đồn. Ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu NNƯT năm 2015 về nghệ thuật trình diễn dân gian. Ngoài việc thành thạo chơi các loại nhạc cụ truyền thống Chăm và đảm nhận nhạc lễ trong các sự kiện văn hóa quan trọng ở địa phương, ông còn là nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ. Với phong cách tiếp chuyện gần gũi thân tình, ông Đồn cho biết từ nhỏ đã tự học hỏi từ cha ruột và những người già làng đi trước về chế tác, biểu diễn trống Ghi năng, Baranưng, kèn Saranai, Ca nhi,... Hồi ấy ông say mê đến nỗi hễ nghe ở đâu có tiếng trống, kèn vang lên là ông quên hết mọi việc tìm đến học, những lúc người già chơi nhạc tại nhà cộng đồng, lễ hội, ông thường chăm chú theo dõi và ghi nhớ những bài nhạc đó. Thấy người nào mệt thì ông xin tham gia vào đánh thay, vừa đánh vừa được những bậc cao niên ân cần chỉ bảo. Dần dần, ông biết cách chơi và ngày càng thuần thục. Rồi khi thấy người lớn trong làng vào rừng vót tre để làm nhạc cụ là ông lại xin theo, nhìn và bắt chước, làm dần dần rồi thành quen tay và thạo nghề. Nói rồi ông lại bắt tay vào công việc chế tác trống Ghi năng. Đã 78 tuổi nhưng mọi thao tác của ông vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường, cặm cụi vót tre, đẽo gọt tỉ mỉ day trống để đan, giúp mặt trống có âm thanh tốt nhất. Đôi bàn tay dường như đã quen với mọi kích cỡ của từng loại nhạc cụ nên ông làm ra cái nào thì chuẩn cái đó. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, sau mỗi lần làm xong nhạc cụ, ông lại tự tấu lên một bản nhạc yêu thích để tự thẩm âm đã đúng âm thanh chuẩn chưa để giao cho khách hàng. Mỗi năm, ông chế tác 5-7 bộ trống Ghi năng, 5-10 chiếc trống Baranưng cho các đội nhạc lễ ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn (phải) thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh (Ninh Phước), truyền dạy trống Ghi năng cho con trai Phú Quang Thiên.
Ngoài thời gian chế tác, ông còn mở lớp dạy chơi nhạc cụ truyền thống cho con em các làng Chăm trên địa bàn. Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở ghi lại bài bản nên ông dạy cho học trò thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương. Ông không thu học phí mà còn cho cơm ăn đối với những người ở xa đến nhà thầy trọ học. Đến nay, ông đã truyền dạy cho trên 40 học trò biểu diễn thành thục các loại nhạc cụ dân gian Chăm, trong đó có người trở thành nghệ nhân và nhạc công của Đoàn Nghệ thuật dân gian tỉnh. Riêng gia đình ông có đến 7 người con trai nối nghiệp cha đều chơi thành thạo “bộ tứ” Ghi năng, Baranưng, kèn Saranai, Ca nhi và trở thành nhạc công phục vụ Lễ hội Katê, các nghi lễ của người Chăm, tham gia hoạt động văn nghệ địa phương. Nói về việc giữ gìn, bảo tồn nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Phú Bình Đồn trăn trở: Mong mỏi lớn nhất của tôi là thế hệ trẻ trong làng có thể tiếp nối truyền thống cha ông để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bản thân muốn trao truyền, mở các lớp dạy miễn phí, nhưng lớp thanh thiếu niên hiện nay khi tiếp thu âm nhạc mới lại lãng quên và không còn đam mê, mặn mà với nhạc cụ dân tộc truyền thống. Nên bây giờ việc truyền dạy khó lắm, nhạc cụ dân tộc lại càng ít người biết sử dụng.
Dẫu trên hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng sự tâm huyết của NNƯT Mai Thấm và Phú Bình Đồn chưa bao giờ nguội tắt, họ vẫn luôn thầm lặng cống hiến, nỗ lực trao truyền nhạc cụ truyền thống cho các thế hệ mai sau, góp phần tô điểm bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc.
Kim Thùy