Tại cánh đồng trồng rau màu ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), mặc dù đang là thời điểm nắng nóng, toàn bộ diện tích canh tác của bà con nơi đây vẫn xanh tươi tốt do được bao phủ bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt. Anh Não Văn Tịnh, người dân trong thôn, cho biết: Phần lớn diện tích đất sản xuất quanh khu vực chủ yếu là đất cát nên khả năng giữ nước thấp, chưa kể vào mùa khô nguồn nước lại càng khan hiếm khiến việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi học hỏi mô hình tưới nước tiết kiệm, năm 2018, gia đình tôi đầu tư hơn 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất 3 sào măng tây xanh và đậu phộng. Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm cho thấy hiệu quả rõ rệt, nước được tưới thường xuyên với lượng vừa đủ để giữ ẩm cho cây trồng, tiết kiệm đáng kể thời gian so với tưới tràn như trước đây; nhờ đó, năng suất luôn ổn định và không bị chết khô vào mùa nắng.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm sản xuất đậu phộng.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú hiện có 84 thành viên tham gia sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn, với diện tích 65ha; thời gian qua, nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giúp các thành viên sản xuất ổn định, chủ động nguồn nước tưới xuyên suốt mùa vụ. Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã nhìn nhận: Với vùng đất không chủ động nước tưới lại thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để duy trì sản xuất là giải pháp khả thi, giúp giảm chi phí sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Song song với việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, giảm diện tích cây lúa chuyển sang trồng màu cũng được nông dân trong tỉnh thực hiện, điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nước mà còn khắc phục tình trạng đất bỏ hoang. Đơn cử, tại huyện Thuận Bắc, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể cho từng vùng, xác định các loại cây trồng cạn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả để làm cơ sở nhân rộng. Qua thời gian triển khai thực hiện, chủ trương chuyển đổi cây trồng thích nghi với nắng hạn trên địa bàn đã thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng được nông dân đón nhận và sản xuất trên diện rộng. Chị Nguyễn Thị Bé, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), chia sẻ: Lường trước khó khăn khi sản xuất trong điều kiện thiếu nước, cuối năm 2019, tôi chủ động chuyển hơn 2 sào lúa sang trồng luân phiên cây ớt, hành lá, hiệu quả đem lại cao hơn nhiều so với trồng lúa. Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác đều tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng của chính quyền địa phương, nhờ đó toàn bộ diện tích canh tác thiếu nước quanh khu vực đã được bao phủ màu xanh của cây trồng.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chăm sóc cây ớt.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị cao, đến nay đạt trên 1.920ha, đạt 96% mục tiêu nghị quyết đề ra. Qua đánh giá, hiệu quả cây trồng cạn mang lại so với trồng lúa cho lợi nhuận cao gấp 1,3-1,6 lần; riêng cây kiệu gấp 10,5 lần, cây nho, táo gấp 10-15 lần. Cùng với đó, toàn tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm như tưới phun tầm thấp và tưới nhỏ giọt trên cây trồng cạn, cây ăn quả với diện tích trên 1.773ha. Kết quả đã tiết kiệm 30-45% lượng nước tưới, giảm được 3,88% tổng chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận so với tưới truyền thống từ 9-11%. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người dân tại các vùng sản xuất trong điều kiện thiếu nước.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã tập trung rà soát, đề xuất triển khai nhiều nhóm giải pháp theo từng giai đoạn cụ thể; trong đó, ngoài tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, công tác chuyển đổi cây trồng, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm được ưu tiên thực hiện. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm để đảm bảo nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.
Hồng Lâm