Triển khai thực hiện các chương trình MTQG, các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành, cơ bản đạt kết quả tích cực. Trong năm 2023, tổng vốn giao thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 809,78 tỷ đồng, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương đạt 94% kế hoạch và giải ngân vốn sự nghiệp đạt 58% kế hoạch. Về tổng vốn giao, bao gồm vốn năm 2022 và năm 2023 chưa giải ngân hết chuyển sang năm 2024 trên 817 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện giải ngân đạt 16% kế hoạch.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Sau khi nghe đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu và nghe các đơn vị, địa phương báo cáo những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG; phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 3 cơ quan thường trực Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Tài Chính, các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống nhất phương án điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đối với từng chương trình được HĐND tỉnh thông qua để làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp phù hợp. Các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo bám sát cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai thực hiện sát với thực tế cơ sở địa phương; quan tâm cân đối, bố trí ngân sách ủy thác sang chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện cho vay các chương trình MTQG. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những công việc còn tồn đọng, đảm bảo các nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu của 3 chương trình MTQG được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Hồng Lâm