Nếu như trước đây hoạt động lưu chuyển và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa thì nay sự xuất hiện các trung tâm TM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Cùng với đó, chất lượng các ngành dịch vụ được cải thiện hơn trước, hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Khi mua sắm, các thông số kỹ thuật, hạn sử dụng, chế độ bảo hành, tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đã được chú trọng. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng chợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm TM, 5 siêu thị, 103 chợ, 133 cửa hàng xăng dầu, 24 cửa hàng tiện lợi và đang triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2024 đưa vào hoạt động thêm 1 trung tâm TM (GO! Ninh Thuận).
Với những ưu thế nổi bật về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán đặc biệt là nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng của hàng hóa... các trung tâm TM, siêu thị, mini mart, cửa hàng tiện lợi đang trở thành điểm đến yêu thích của số đông người dân. Nhất là vào những ngày cuối tuần Trung tâm TM Vincom Plaza và siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn là điểm lựa chọn mua sắm hấp dẫn cho người dân và du khách, bởi sự đa dạng về dịch vụ hàng hóa từ mua sắm thời trang, hàng thiết yếu đến ăn uống, vui chơi, thư giãn.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị WinMart. Ảnh: V.Nỷ
Chị Nguyễn Kim Thanh, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên ghé Trung tâm TM Vincom Plaza bởi sự tiện ích, hiện đại, con tôi có thể vui chơi nhà banh, xem phim, còn tôi có thể mua sắm hoặc ăn uống với mọi người trong gia đình và bạn bè tại đây.
Ngoài ra, hạ tầng TM điện tử của tỉnh cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống truyền dẫn trên địa bàn tỉnh được cáp quang hóa 100%, các dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh và những công nghệ lạc hậu đã dần bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến. 100% các siêu thị, trung tâm TM có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt, 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng.
Chị Nguyễn Thị Bích Loan, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: Bây giờ đi siêu thị rất tiện lợi, hàng hóa đầy đủ cái gì cũng có, thanh toán tiền cũng nhanh chóng, dễ dàng, không cần dùng tiền mặt chỉ cần chuyển khoản hoặc quẹt thẻ là được.
Để hoạt động TM - dịch vụ phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, thời gian qua Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý trật tự kinh doanh, giá cả, chất lượng hàng hóa; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận TM, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hạ tầng TM ổn định và phát triển đã và đang góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo chất lượng và phương thức phục vụ được nâng dần theo hướng hiện đại, văn minh. Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng TM trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa TM truyền thống với TM điện tử; đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực. Ðồng thời, xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp TM trong hoạt động kinh doanh. Chú trọng quan tâm phát triển hạ tầng TM tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Hồng Nguyệt