Tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ

Ngày 16/2/2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 622/UBND-KTTH gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ: Thực hiện văn bản số 660/BNN-TY ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ. Nhằm tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống chất lượng và an toàn; chủ động công tác phòng, chống và xử lý dịch bệnh thủy sản kịp thời, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên địa bàn tỉnh,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

1. Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khẩn trương tổ chức triển khai công tác phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ có hiệu quả theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 về Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030 chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 4619/UBND-KTTH ngày 02/11/2023 về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú ý thủy sản và Kế hoạch số 4696/KH-UBND ngày 09/11/2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc vận chuyển giống, sản phẩm động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật thủy sản không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc; công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

- Chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý dịch bệnh, nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra và tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn dịch bệnh tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh.

 

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Phối hợp với các huyện, thành phố bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” để chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

+ Hướng dẫn người nuôi kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); khai báo dịch bệnh, áp dung các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh; thiết lập đường dây nóng để

tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, tôm chết, tôm có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân.

+ Tiếp tục thường xuyên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định mầm bệnh, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch con giống; hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

+ Tổng hợp, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản (từ cấp thôn, xã, huyện) đầy đủ và kịp thời qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành.

- Chi cục Thủy sản: Phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông thông báo nội dung kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2024 đến các cơ sở sản xuất giống, người nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh được biết, thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời phát hiện tình hình ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản và cảnh báo kịp thời để người nuôi được biết và chủ động phòng ngừa, xử lý.

3. Giao Ủy ban nhân dân các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải; thành phố Phan Rang – Tháp Chàm:

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức tới người sản xuất giống, người nuôi về các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh.

- Bố trí nguồn lực, kinh phí bảo đảm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, động bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản tại các địa phương.

- Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

- Chỉ đạo chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn, xã và huyện.

- Thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả và các vấn đề phát sinh cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời./.