Nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực ven biển

Với bờ biển dài trên 108km, Ninh Thuận là một trong các tỉnh ven biển phải chịu tác động mạnh mẽ của biển đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng.

Để chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với BĐKH, nước biển dâng thời gian qua ngoài việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh ta còn ban hành các văn bản tập trung triển khai các giải pháp về công tác chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, như: Chương trình hành động quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy chế hoạt động ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại khu vực ven biển của tỉnh trên cơ sở thông qua việc thực hiện hồ sơ môi trường và các tổ giám sát cộng đồng nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm về BVMT khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tiếp tục duy trì việc trao đổi thông tin về công tác BVMT các nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và giám sát chất lượng môi trường nước biển vùng biển giáp ranh với tỉnh Bình Thuận theo Quy chế phối hợp đã ký với Cục Môi trường miền Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận từ năm 2017.

Đập hạ lưu Sông Dinh. Ảnh: P.B

Bên cạnh đó, hằng năm tỉnh còn tổ chức quan trắc thành phần chất lượng môi trường nước biển định kỳ 4 lần/năm tại 25 điểm ven bờ tại các khu vực cảng, khu du lịch trọng điểm và khu nuôi trồng thủy sản, gồm: Cảng Ninh Chữ (3 điểm); cảng Đông Hải (3 điểm); cảng Cà Ná (3 điểm); cảng Mỹ Tân (3 điểm); các khu du lịch: Cà Ná, Ninh Chữ, Vĩnh Hy, bãi Nước Ngọt, Mũi Dinh và Bình Tiên; khu nuôi trồng thủy sản ven bờ: Đầm Nại, An Hải, đầm Sơn Hải, Phú Thọ, Mỹ Tường, Từ Thiện và bến cá Sơn Hải nhằm đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng nước biển ven bờ, nhằm phát hiện các vị trí có nguy cơ gây ô nhiễm, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo và xử lý kịp thời.

Song song đó, tỉnh còn tăng nguồn ngân sách đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, các chương trình trồng rừng, nâng cấp hệ thống quan trắc, đê kè, hồ chứa nước, phòng, chống sạt lở. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã bố trí 2.118 tỷ đồng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, như: Nâng cấp đê bờ Bắc Sông Dinh, đập hạ lưu Sông Dinh, xây dựng các công trình đê, kè chống sạt lở ở các khu vực trọng yếu ven biển (đê bảo vệ khu vực Đầm Vua, Dự án bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná, kè chống sạt lở bờ biển thôn Khánh Hội, Vườn quốc gia Núi Chúa, đê cửa sông Phú Thọ, kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná, kè bảo vệ thôn Sơn Hải, củng cố đê, kè biển Phú Thọ...). Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó các sự cố xảy ra trên biển; tổ chức kêu gọi hàng nghìn lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức cứu hộ thành công các tàu vận tải, tàu cá trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân vùng biển.

Cùng với đó, hoạt động quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Núi Chúa, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, bảo vệ cuộc sống của người dân, hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 phù hợp trên địa bàn. Tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thường xuyên về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khuyến khích mở rộng mô hình sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thích ứng BĐKH, giảm thiểu thiên tai, sự cố môi trường. Đầu tư một số trạm quan trắc, cảnh báo thiên tai, thảm họa môi trường tự động trên các vùng nhạy cảm về BĐKH, vùng ven biển của tỉnh.