Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vùng miền núi Bác Ái

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song huyện Bác Ái đã nỗ lực khai thác tiềm năng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Trong đó chú trọng phát triển TTCN gắn với làng nghề truyền thống. Hoạt động sản xuất CN-TTCN góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Được thành lập hơn 3 tháng nay, tổ hội nghề nghiệp đan lát (ĐL) ở xã Phước Thắng thu hút hơn 30 thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm như: Gùi, nia, chiếu, rổ, quạt, nỏ, đàn Chapi... để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương và phát triển du lịch. Ông Mai Thắm ở thôn Ma Oai chia sẻ: Với vai trò tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp ĐL ở địa phương, bản thân tôi cũng như nhiều hội viên trong tổ rất vui vì sản phẩm ĐL của địa phương có đầu ra ổn định, qua đó tập hợp được những người yêu nghề ĐL để phát triển nghề truyền thống, giúp hội viên có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng, từ đó giúp bà con cải thiện đời sống. Ông Pi Năng Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thắng cho biết: Năm 2023, tổ hội nghề nghiệp ĐL được thành lập nhằm đáp ứng mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai. Kế thừa và phát huy tinh hoa mà nghề ĐL truyền thống của cha ông để lại, tổ hội nghề nghiệp ĐL đã tạo ra những sản phẩm quà tặng từ ĐL vừa mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc vừa mang tính hiện đại đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, qua đó giúp giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Ông Mai Thắm, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp đan lát ở xã Phước Thắng (Bác Ái)
làm nỏ theo đơn đặt hàng của khách.

Bác Ái nằm ở phía Tây Bắc tỉnh, có khí hậu trong lành, mát mẻ, đặc biệt là hệ sinh thái phong phú đa dạng và có những địa danh, văn hóa nổi tiếng như: Vườn quốc gia Phước Bình; di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia bẫy đá Pi Năng Tắc; núi Tà Năng; thác Chapơr, Suối Lạnh... Tận dụng lợi thế đó, vài năm trở lại đây phong trào trồng cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch cộng đồng được nhiều hộ dân ở xã Phước Bình mạnh dạn đầu tư. Đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng trên 60 nhà sàn truyền thống, gắn với vườn cây ăn quả để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như sản xuất các sản phẩm: Đàn Chapi, gùi, nia, chiếu, rổ, quạt, nỏ... nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề có sự chuyển biến quan trọng, nhiều lao động ý thức được việc học nghề và số người tham gia các khóa đào tạo tăng lên rõ rệt. Qua đào tạo đã giải quyết việc làm cho 2.252 lao động ở địa phương. Đặc biệt, thời gian qua, huyện quan tâm phát triển TTCN gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn huyện hiện có 6 sản phẩm OCOP (rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính)/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Tiếp tục duy trì, tạo điều kiện phát triển một số sản phẩm truyền thống như: Làng nghề ĐL ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến, thôn Ma Nai, xã Phước Thành; rượu cần ở xã Phước Trung...

Hoạt động xúc tiến đầu tư của huyện đã có bước chuyển biến cơ bản, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất CN-TTCN được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Môi trường sống được cải thiện thông qua việc thu hút các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn huyện hiện có 1 hệ thống điện năng lượng tại xã Phước Trung và 28 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2023 đạt 411,4 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 5,8%. Hoạt động kinh doanh của các tổ chức, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn được duy trì, bảo đảm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm. Duy trì hoạt động chợ Phước Đại và 5 chợ phiên trên địa bàn huyện. Qua đó nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên địa bàn huyện trên 20,8 triệu đồng/người/năm.

Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thời gian tới, huyện Bác Ái chủ động phối hợp tiếp nhận, quản lý và phát huy hiệu quả cụm công nghiệp xã Phước Tiến; tổ chức các hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành nghề TTCN gắn với giải quyết việc làm; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch; ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách, trọng điểm, các công trình phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế và dân sinh; chú trọng đến công tác quản lý chất lượng công trình theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trên địa bàn...