Lặng thầm gieo những yêu thương

Giữa bao bộn bề của cuộc sống, vẫn còn đó nhiều cá nhân với những việc làm cụ thể, thiết thực cùng đồng hành, sẻ chia yêu thương với học sinh (HS) có hoàn cảnh kém may mắn. Đó là tiếng học ê... a đang tập đánh vần của các em tại lớp học tình thương chùa Long Cát; là niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp của những HS khiếm thính khi được học nghề miễn phí... Tất cả như những mầm xanh đầy yêu thương đang chờ ngày tỏa hương...

Hành trình “gieo chữ”

Khi những tia nắng cuối ngày tắt dần là lúc hơn 150 HS Raglai xã Công Hải (Thuận Bắc) tập trung đến chùa Long Cát bắt đầu hành trình đi tìm con chữ. HS ở đây chủ yếu trẻ em nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, thậm chí có nhiều em chưa một ngày đến lớp vì phải cuốn vào cuộc mưu sinh của cha mẹ. Với mong muốn mang con chữ đến cho HS, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng hơn 20 năm qua, lớp học tình thương chùa Long Cát vẫn “sáng đèn” đón chào các em.

Lớp học tình thương tại chùa Long Cát. Ảnh: Mỹ Dung

Nhớ lại những ngày đầu thành lập lớp học tình thương, Ni sư Thích Nữ Đức Thịnh, Trụ trì và chủ lớp học chùa Long Cát chia sẻ: Nhìn thấy trẻ em ở đây chịu nhiều thiệt thòi, ni sư đã không quản ngại ngày đêm đến tận nhà, lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh cho con em đến lớp; đồng thời đến các trường tiểu học trong xã mời các thầy, cô giáo tâm huyết, tận tụy về dạy học cho các em. Nhờ sự tận tâm, tận tình của sư cô, khóa học đầu tiên ra đời vào năm 2002 với 80-90 HS theo học, sĩ số lớp tăng dần lên có năm hơn 220 HS. Riêng năm học 2023-2024, lớp học tình thương ở chùa Long Cát có 150 em, với 5 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Vào các ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút các em được học những môn cơ bản như: Văn, Toán... theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không chỉ học văn hóa, ở đây các em còn được hướng dẫn, giáo dục đạo đức, rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản như phép tắc ăn uống, lễ phép giúp đỡ cha mẹ...

Để “kích thích” sự học của HS, trước giờ vào lớp học Ni sư Đức Thịnh nấu hàng trăm suất cơm miễn phí; trang bị sách vở, dụng cụ học tập miễn phí cho các em. Cùng với đó, vào cuối tháng, cuối năm học, các lớp học tổ chức bình chọn những HS chăm ngoan, học giỏi để tặng quà, xe đạp khích lệ tinh thần các em. Nhờ vậy, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không đi học ở trường được, phải đi chăn bò, làm thuê rất thích học... Đơn cử như em Pi Năng Nghiêm (HS lớp 1) ở tận xã Phước Chiến xuống Công Hải chăn bò thuê nay đã có cơ hội được đến trường. Gắn bó lớp học từ năm 2010, thầy Nguyễn Văn Hiển, giáo viên Trường Tiểu học Công Hải chia sẻ: Mặc dù vất vả nhưng tôi muốn chia sẻ, đồng hành với sư cô trên hành trình đi tìm con chữ, giúp các em có thêm cơ hội học tập. Hơn 20 năm qua, lớp học tình thương chùa Long Cát mang con chữ cho hàng trăm HS có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hạn chế được tình trạng HS bỏ học ở địa phương. Chia tay lớp học, chúng tôi ấn tượng mãi với hình ảnh cô và trò say sưa với con chữ dưới ánh đèn, mở ra tương lai tươi sáng cho con em đồng bào dân tộc nơi đây.

Trao “cần câu” mở lối cho trẻ khuyết tật

Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật là một trong những hoạt động giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Bởi các em khuyết tật khi trưởng thành thường khó tìm công việc phù hợp, cũng như nhiều khó khăn để có cuộc sống độc lập, tự chủ. Thấu hiểu được điều đó, hơn 2 tháng qua chị Huỳnh Thị Tuyết Trâm, khu phố 3, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đều đến hướng dẫn, dạy nghề gội đầu, massage cho những trẻ khiếm thính ở Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Sáng thứ Hai hằng tuần, lớp học khiếm thính lại rộn ràng hơn mọi ngày; các em háo hức chuẩn bị thau chậu, khăn, nước gội đầu... sẵn sàng vào học nghề gội đầu.

Trẻ em nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia lớp học tình thương do chùa Long Cát tổ chức.

Sau nhiều năm tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em tại trường, chị Trâm nung nấu ý tưởng xây dựng một lớp học đào tạo nghề cắt tóc, gội đầu miễn phí cho các em, đặc biệt là những em khiếm thính. Với việc làm này, hy vọng lớp học trở thành nơi định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề phù hợp cho các em trong tương lai. Để thuận lợi trong việc giảng dạy, chị Trâm đầu tư 2 bộ giường gội tại trường, các dụng cụ như khăn, dầu gội, máy sấy... đều được trang bị đầy đủ, miễn phí. Ban đầu, do hạn chế ngôn ngữ nên khi trao đổi, giảng dạy chị Trâm phải nhờ cô giáo hỗ trợ hoặc sẽ viết chữ ra giấy để các em hiểu. Vượt qua cản trở về ngôn ngữ, cô và trò đã dần thích nghi và hiểu nhau hơn, dễ dàng tiếp thu lý thuyết lẫn thực hành. Đến nay, hầu hết các em đều tiến bộ, hứng thú, chăm chỉ luyện tập, tiêu biểu như em T.Y.N; Q.N.H.P...

Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai chia sẻ: Nhà trường rất vui mừng và cảm ơn cô Trâm đã tạo điều kiện dạy nghề miễn phí cho HS ở trường; qua đó, tăng sự khéo léo, kiến thức và hỗ trợ điều trị tâm lý giúp HS nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp trong tương lai; giải quyết được trăn trở khi các em trưởng thành ra trường thì vẫn có nơi tiếp nhận học tập.

Tạo cơ hội, trao “cần câu” cho người khuyết tật đang là cách làm được cộng đồng hướng đến. Đây là hướng đi đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở một số địa phương, chuyển từ sự trợ giúp “mang tính từ thiện” sang “tính bền vững”, tạo việc làm giúp các em tự tin hơn, sớm hòa nhập với xã hội. Mong rằng, trên hành trình lặng thầm “đưa đò” của Ni sư Đức Thịnh, chị Huỳnh Thị Tuyết Trâm... sẽ có thêm nhiều tổ chức, đơn vị cùng đồng hành “gieo yêu thương” hướng đến xã hội ngày càng văn minh, nhân ái hơn.