Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo

Thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư còn bị vướng nhiều khâu làm chậm tiến độ.

Thực hiện kế hoạch (KH) vốn các chương trình mục tiêu năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã được phân bổ với tổng vốn 547,39 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 215,48 tỷ đồng để thực hiện 94 dự án và vốn sự nghiệp 331,90 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh đã giải ngân 102,35 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, đạt 49% KH giao và giải ngân vốn sự nghiệp 85,58 tỷ đồng, đạt 22,5%. Cụ thể, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân vốn đầu tư phát triển được 27,91 tỷ đồng, đạt 50% KH; vốn sự nghiệp đã giải ngân 38,45 tỷ đồng, đạt 30,3%. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân vốn đầu tư phát triển được 74,44 tỷ đồng, đạt 48,6%; vốn sự nghiệp 47,13 tỷ đồng, đạt 18,6% KH.

Mô hình liên kết sản xuất cây nha đam tại Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để triển khai các chương trình MTQG, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ sở để triển khai thực hiện và giải ngân chương trình theo KH. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân, vốn đầu tư công năm 2022, đến gần giữa năm trung ương mới giao KH, thời gian triển khai thực hiện ngắn; trong những tháng đầu năm 2023 các sở, ngành và địa phương phải tập trung giải ngân nguồn vốn kéo dài của KH năm 2022 sang năm 2023. Trong khi đó, chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý nên khó khăn khi thực hiện ảnh hưởng tới kết quả giải ngân của chương trình. Một số chủ đầu tư chưa chủ động chuẩn bị tốt công tác hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư theo quy định. Do đó, việc giao chi tiết cho các dự án khởi công mới không thể tiến hành ngay sau khi được UBND tỉnh giao KH vốn thực hiện các chương trình. Tính đến hết tháng 7 mới hoàn tất việc phân bổ chi tiết các dự án khởi công mới của KH năm 2023, do đó phần nào ảnh hưởng tiến độ thực hiện và khả năng hấp thụ nguồn vốn được giao.

Nhằm đẩy nhanh việc thực hiện hai chương trình MTQG với tinh thần quyết tâm cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải chủ động phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, phấn đấu cả năm phải giải ngân đạt 100% vốn được giao nhằm đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Do đó, từ nay đến cuối năm các ngành, địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; kịp thời tháo gỡ những khó khăn thực hiện các chương trình, dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình bảo đảm đúng quy định và kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án gắn với hiệu quả giải ngân nguồn vốn. Khẩn trương hoàn tất hồ sơ phê duyệt, khởi công các dự án và triển khai thực hiện thanh, quyết toán các công trình, dự án khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để dồn vốn vào cuối năm.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để thúc đẩy giải ngân KH vốn năm 2023 thực hiện hai chương trình MTQG trong các tháng cuối năm 2023, đề nghị các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện các nhiệm vụ được phân công, sớm phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn được giao. Các cơ quan thường trực từng chương trình chủ trì phối hợp với các cơ quan chủ dự án thành phần và các đơn vị có liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành trung ương để kịp thời có hướng dẫn đối với những quy định còn vướng mắc. Các đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, khẩn trương thúc đẩy giải ngân KH vốn chuyển tiếp từ năm 2022 kéo dài sang năm 2023, phấn đấu giải ngân đạt 100% KH nguồn vốn; đối với nguồn vốn được giao thực hiện năm 2023, khẩn trương rà soát danh mục, dự án về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, quyết định kịp thời đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách nhà nước; tập trung giải ngân các nội dung, hoạt động, dự án đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện theo đúng quy định.