Người dân vùng quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Suốt hơn 13 năm dự án không triển khai, hơn 1.000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 bị hạn chế quyền sử dụng đất (SDĐ), gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi về các điều kiện đời sống, sản xuất. Tìm hướng tháo gỡ khó khăn là yêu cầu cấp thiết nhằm giúp người dân mở ra cơ hội phát triển của những vùng đất vốn có nhiều tiềm năng ven biển Ninh Thuận.

Niềm vui của người dân vùng dự án điện hạt nhân

Ngày 13/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 74/TB-UBND về việc hủy bỏ các thông báo trước đây về thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐHN 1 và 2. Việc hủy các thông báo này nhằm thực hiện các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng các nhà máy ĐHN.

Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc UBND tỉnh ban hành Thông báo số 74/TB-UBND ngày 13/7/2023 về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, GPMB thực hiện dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 là đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý vì lợi ích chính đáng của người dân.

Một số khu vực nuôi trồng thủy sản ở thôn Vĩnh Trường đang dần được khôi phục, đầu tư phát triển trở lại. Ảnh: D.M

Những ngày qua, người dân thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam) phấn khởi đón nhận thông tin UBND tỉnh đã ban hành thông báo về việc hủy bỏ các thông báo trước đây về thu hồi đất để bồi thường, GPMB thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐHN 1. Là một hộ dân trong thôn, từng được bà con tín nhiệm cử theo đoàn công tác của tỉnh qua thị sát vùng nhà máy ĐHN ở Nhật Bản, cũng là người từng tích cực vận động bà con trong thôn chấp hành chủ trương bàn giao đất để làm dự án nhà máy ĐHN cách đây hơn chục năm, anh Bùi Xuân Minh có lẽ là người nhiều cảm xúc nhất khi đón nhận thông tin hủy bỏ việc thu hồi đất vùng dự án. Anh Minh bộc bạch: Tiếp nhận thông báo của tỉnh, tôi như mở được nút thắt trong lòng. Ngày trước tôi cùng với các ban, ngành trong xã, thôn vận động, tuyên truyền cho bà con đồng thuận với dự án của Nhà nước; rồi chứng kiến đời sống bà con bấp bênh, khó khăn vì dự án chậm triển khai, bản thân gia đình tôi và nhiều hộ phải bán đìa, bỏ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản do việc khảo sát địa chất ảnh hưởng đến nguồn lợi gần bờ... tôi cũng nảy sinh nhiều tâm tư. Điều mong mỏi nhất hiện nay của bà con thôn Vĩnh Trường là trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, xây kè chắn sóng để bà con khu vực sát biển yên tâm sinh sống, làm ăn; đồng thời có giải pháp, hướng tháo gỡ khó khăn về vốn, sinh kế giúp bà con trong vùng dự án cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Không giấu được niềm vui chung, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh cho biết: Toàn thôn có 247 hộ với gần 1.000 khẩu, khi UBND tỉnh thông báo hủy thu hồi đất bồi thường, GPMB để xây dựng nhà máy ĐHN 1 ở địa phương thì bà con nhân dân vui mừng không tả xiết, mừng vì có cơ sở pháp lý được làm giấy tờ nhà đất, sang nhượng mua bán rõ ràng, tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai mất tình làng nghĩa xóm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Từ đây, người dân trong thôn đã có thể sửa chữa những căn nhà sập sệ để có chốn an cư tươm tất, có thể đăng ký quyền SDĐ cho mảnh đất mình đang sinh sống, canh tác; cũng có điều kiện được vay vốn tái đầu tư sản xuất, khôi phục lại những vùng đìa hoang hóa nhiều năm nay.

Tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), nơi có hơn 820 hộ dân với trên 2.800 khẩu trong vùng dự án như “mở cờ trong bụng”, bày tỏ sự tin tưởng sẽ sớm ổn định đời sống, sản xuất để phát triển kinh tế. Hiện nay, người dân đang khẩn trương đến bộ phận một cửa của UBND xã để được cán bộ địa chính hướng dẫn hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai. Ông Nguyễn Thành Ngọc ở thôn Thái An chia sẻ: Bố mẹ mất để lại cho anh em chúng tôi hơn 8 sào đất (hơn 8.000 m2) nhưng trước đây vướng quy hoạch dự án nên không làm được giấy tờ ủy quyền, sang nhượng đất đai. Nay có thông báo của tỉnh hủy thu hồi đất nên tôi tới UBND xã làm giấy tờ đất đai. Tin tưởng về tương lai phát triển, ông Hà Văn Chờ, người dân thôn Thái An chia sẻ, nhà ông có 5,3 sào (5.300 m2) đất nông nghiệp nhưng hơn chục năm qua vướng thông báo thu hồi đất làm dự án nhà máy ĐHN 2 nên không làm được sổ đỏ, hay sang nhượng được. Khi tỉnh hủy thông báo thu hồi đất, ông rất mừng và cho biết sẽ đi làm sổ sớm để có tài sản vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất, ổn định đời sống hơn.

Theo chính quyền địa phương hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải, sau khi có thông báo về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, GPMB thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐHN, UBND xã đã thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã đến người dân. Theo đó, người dân trong khu vực dự án đã được thông báo các hộ gia đình có giấy tờ hợp lệ cứ trình theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Đất đai để địa phương giải quyết cấp quyền SDĐ để người dân được tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng, kê khai biến động quyền SDĐ để làm sổ đỏ. UBND xã cũng đã bố trí cán bộ địa chính để hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, sửa chữa nhà ở... Bên cạnh đó, xã cũng sẽ có những điều chỉnh trong kế hoạch phát triển KT-XH, ưu tiên đầu tư, thu hút nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con vùng dự án sớm khôi phục, cải thiện đời sống tốt hơn.

Phát triển toàn diện, bền vững vùng dự án

Để ổn định đời sống người dân vùng dự án, chính quyền địa phương đã đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm giải quyết, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền SDĐ; chỉnh trang mở rộng khu dân cư; đầu tư các cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi theo chủ trương của Nghị quyết 46/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh. Đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn, trường học ở địa phương.

Theo UBND tỉnh, để ổn định đời sống người dân vùng dự án, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Nghị quyết HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải (Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2) để sớm xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo cho người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất để phát triển KT-XH.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh giao UBND huyện Ninh Hải và Thuận Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định pháp luật để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định lại đời sống. Đồng thời, giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của người SDĐ trong vùng dự án nếu có và giải thích, trả lời cho người dân được biết. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất UBND tỉnh, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết thỏa đáng cho người dân. Trong thời gian tới, tỉnh nỗ lực thực hiện các Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia; Công văn số 681/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (đợt 2) và Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh, xã Vĩnh Hải (Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2) để sớm xây dựng hạ tầng, chăm lo cho người dân nơi đây sớm ổn định chỗ ở, phục hồi sản xuất...

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XI, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, gồm 5 cụm ngành, lĩnh vực: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Cả 5 định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đều liên quan đến hai địa bàn nhà máy ĐHN 1 và 2, như: Năng lượng, năng lượng tái tạo tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG Vĩnh Hải, Phước Dinh...; hạ tầng truyền tải điện để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Du lịch chất lượng cao khu vực Vĩnh Hy, Mũi Dinh... Công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh Phước Dinh - Cà Ná...

Định hướng phát triển không gian, lãnh thổ, đô thị gồm 4 vùng, trong đó vùng phía Bắc bao gồm một phần quy mô ranh giới huyện Thuận Bắc và huyện Ninh Hải; vùng phía Nam bao gồm huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước; 3 hành lang phát triển, có 1 hành lang phát triển liên quan đến các vùng dự án hạt nhân, gồm: Hành lang ven biển dọc theo dải ven biển phát triển nông nghiệp, năng lượng và cảng biển, gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa. Về phát triển và hình thành 6 đô thị ven biển, vùng dự án có 2 đô thị Vĩnh Hy và Sơn Hải và hình thành dải ven biển phát triển theo cấu trúc không gian đan xen hỗn hợp đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Với quy hoạch này, hiện nay HĐND tỉnh giao UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật; hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là động lực cho tỉnh Ninh Thuận nói chung, các vùng dự án ĐHN của Thuận Nam và Ninh Hải nói riêng phát triển toàn diện, bền vững.