Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh

Ngày 24/8/2023, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản có liên quan đảm bảo vận hành khai thác, an toàn công trình thủy lợi, đê điều (TLĐĐ), tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm công trình TLĐĐ. Ngày 24/8/2023, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị quản lý các công trình TLĐĐ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình TLĐĐ; hướng dẫn và giải thích cụ thể công tác quản lý, bảo vệ, các hành vi, phương thức xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức quản lý, khai thác công trình TLĐĐ trong việc bảo vệ công trình TLĐĐ. Kiên quyết xử lý dứt điểm, các vụ việc tồn đọng liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm công trình TLĐĐ theo quy định. Tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả Văn bản số 1805/UBND-KTTH ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm, bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn.

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bác Ái). Ảnh: Phan Bình

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, UBND cấp huyện thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật về TLĐĐ, phòng, chống thiên tai. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền, đề nghị UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ CTTL, quy định của pháp luật; đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý vi phạm của các địa phương, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT. Thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, trên cơ sở đó kiến nghị UBND các huyện, thành phố xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các trình tự thủ tục đầu tư các công trình, dự án có liên quan đến CTTL, các hoạt động xả nước thải vào CTTL đối với các ngành, các địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào CTTL. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dự án, khu dân cư có xả nước thải vào hệ thống CTTL...

Các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi khu vực bãi sông, phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử trong các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của các dự án có xả thải vào hệ thống CTTL theo thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo quy định. Công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TLĐĐ; bảo đảm an ninh trật tự cưỡng chế, giải tỏa hành lang an toàn đê điều, CTTL. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, nhất là khu vực có đê sát sông, kè bảo vệ bờ; các trường hợp điều khiển xe quá khổ, quá tải di chuyển trên đê, đập...

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống TLĐĐ đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê, quản lý, khai thác CTTL có hiệu quả. Sở Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với các xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ giới hạn cầu đường bộ đi trên đê, CTTL khi có yêu cầu. Khi lập dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có liên quan đến công trình TLĐĐ, cần phối hợp với Sở NN&PTNN và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất về quy mô công trình, giải pháp thiết kế kỹ thuật thi công để đảm bảo tưới, tiêu trong suốt quá trình thi công. Sở Xây dựng phối hợp kiểm tra, rà soát và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng liên quan đến hành lang bảo vệ công trình TLĐĐ. Khi quy hoạch, xây dựng các công trình có liên quan đến CTTL phải phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất về quy mô, phạm vi ranh giới xây dựng công trình; thống nhất các biện pháp đảm bảo cấp nước, tiêu thoát nước. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo đúng quy định; hoàn trả hệ thống CTTL, đảm bảo tưới, tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh.

Đối với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phổ biến tuyên truyền pháp luật về TLĐĐ, phòng, chống thiên tai đặc biệt là những nội dung: Quy định về công tác quản lý, bảo vệ, trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, thẩm quyền xử lý vi phạm; các hành vi vi phạm; tình hình và kết quả xử lý vi phạm ở các địa phương, đơn vị. Kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, CTTL trên địa bàn theo quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình có liên quan đến CTTL (bao gồm cả các công trình xây dựng nông thôn mới có liên quan đến CTTL phân cấp cho địa phương quản lý) phải xin ý kiến Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất về quy mô công trình, phương án xử lý tài sản hình thành sau đầu tư, giải pháp thiết kế kỹ thuật thi công để đảm bảo tưới, tiêu trong suốt quá trình thi công và sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chậm xử lý, hoặc không xử lý các hành vi vi phạm, đùn đẩy trách nhiệm thuộc thẩm quyền xử lý, làm cho vi phạm, tái vi phạm gia tăng ảnh hưởng đến an toàn công trình TLĐĐ. UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL trên địa bàn; tăng cường kiểm tra phát hiện kịp thời, có biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Tổng hợp và báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình TLĐĐ trên địa bàn xã theo quy định và báo cáo trước ngày 20 hằng tháng về UBND cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở NN&PTNT.

Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ CTTL theo quy định của Luật Thủy lợi. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc CTTL bị xâm hại mà không được phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý. Chi cục Thủy lợi kiểm tra, xác minh, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều hoàn thiện hồ sơ vi phạm, kiến nghị UBND cấp huyện, cấp xã xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tham mưu cho Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều...

Trước ngày 25 hằng tháng, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh có báo cáo gửi về Sở NN&PTNT (thông qua Chi cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.